Một con khỉ sinh trưởng ở Tây Tạng có thể đi vào lịch sử sinh học sau khi được ghép gan thành công. Bên cho gan là một con heo được sinh sản vô tính. Đó là thông tin từ Bệnh viện Xijing ở Tây An, Trung Quốc.
Việc cấy ghép gan được tiến hành vào ngày 28/5/2013, đến nay con khỉ đang trong tình trạng ổn định sức khỏe và ca ghép gan này được coi là thành công. Hồi đầu tháng 5 qua, các bác sĩ Trung Quốc cũng nỗ lực cấy ghép gan cho một con khỉ khác nhưng nó chỉ sống được có 2 ngày sau phẫu thuật. Vì vậy, trường hợp này được coi là bước đột phá trong việc cấy ghép nội tạng quan trọng cho cơ thể. Những thí nghiệm tương tự cũng đã từng được thực hiện tại Mỹ, Úc, Đức và Nhật Bản.
Riêng tại Hàn Quốc các nhà khoa học cũng đã thử cấy ghép một quả tim và một quả thận cho 2 con khỉ nhưng chúng chỉ sống được 25 ngày. Dự án nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Xijing được khởi động từ 4 năm qua nhưng thiếu sự hỗ trợ trong việc tìm nguồn hiến tặng gan để cấy ghép, nên các bác sĩ phải dùng đến gan heo.
Giáo sư Kefeng Dou nói với tạp chí AsiaOne rằng sau phẫu thuật 3 giờ, con khỉ đã có thể thở tự nhiên và các dấu hiệu sinh học đã ổn định. Báo Daily Mail cũng dẫn lời Kefeng Dou cho biết gan của heo biến đổi gene có lợi thế hơn gan người vì nguy cơ thải ghép thấp hơn. Đây là cơ sở rất quan trọng cho cả lý thuyết lẫn thực hành trong ứng dụng lâm sàng đối với việc cấy ghép nội tạng cho con người trong tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng.
Con khỉ từ Tây Tạng đang được các bác sĩ Bệnh viện Xijing theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tình trạng của nó không xấu đi. Các bác sĩ cũng lên kế hoạch cấy ghép cho nhiều loại động vật khác để có kinh nghiệm trước khi cấy ghép cho con người.