Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học số ra ngày 13/1, các nhà khoa học châu Âu đã thành công trong việc tạo ra các chú gà biến đổi gen không lây truyền virus cúm A/H5N1.
Sau một thời gian nghiên cứu, các chuyên gia thuộc hai trường đại học Cambridge và Edinburgh của Anh đã khẳng định gia cầm biến đổi gen có thể bị mắc cúm A/H5N1 nhưng lại không thể lây sang con khác để bùng phát thành dịch.
Theo giới nghiên cứu, đây là một kết quả đáng khích lệ và ngăn chặn thành công virus A/H5N1 lây lan trong đàn gia cầm sẽ góp phần giảm các thiệt hại kinh tế cũng như giảm nguy cơ truyền bệnh sang người.
Nhà khoa học Laurence Tiley cho biết, nghiên cứu hiện đang ở những giai đoạn đầu và biến đổi gen là bước đi quan trọng đầu tiên trong nỗ lực phát triển đàn gia cầm có khả năng miễn dịch với bệnh cúm. Ngoài ra, công nghệ biến đổi gen đã chứng minh khả năng tăng cường sức đề kháng của vật nuôi, giúp cải thiện đáng kể an ninh kinh tế và lương thực tại nhiều nước bị ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm.
Cúm A/H5N1 do virus gây ra có thể lây từ gia cầm sang người và gây tử vong cao, thường xảy ra vào vụ đông xuân luôn là mối lo ngại của các nước có nền chăn nuôi phát triển trên thế giới. Người mắc bệnh có các triệu chứng như sốt, cơ thể mỏi mệt, đau cơ, đau họng, ho, nhức mắt, tiêu chảy, khó thở. Bệnh tiến triển rất nhanh và tỷ lệ tử vong thường từ 60-70%.
Ca bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm cúm A/H5N1 được phát hiện tại Hongkong (Trung Quốc) năm 1997. Đại dịch bùng phát trên toàn cầu từ năm 2004.