Dự thảo điều chỉnh viện phí mới nếu được chấp nhận mức thanh toán BHYT cho người bệnh sẽ tăng từ 7-10 lần so với hiện nay. Vì thế, để đảm bảo quỹ BHYT không bị bội chi, mức phí mua BHYT sẽ tăng khoảng 40%.
Với mức thanh toán BHYT cho viện phí tăng từ 7-10 lần theo dự thảo, người dân hy vọng sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn, giảm tình trạng quá tải,nằm ghép giường diễn ra phổ biến tại các cơ sở y tế như hiện nay (Ảnh: H.Hải)
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức phí mua BHYT sẽ tăng nếu dự thảo được thông qua. Vì qua nhiều năm, quỹ BHYT luôn trong tình trạng bội chi, nếu mức thanh toán viện phí tăng lên mà phí mua BHYT không tăng, quỹ sẽ càng bị “vỡ” nặng.
Tuy phí mua BHYT tăng, nhưng tất cả đối tượng tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ. Cơ quan bảo hiểm sẽ phải tính toán lại từ đầu tỷ lệ cùng chi trả, thậm chí lúc đó người dân chỉ phải trả 15% chứ không phải 20% như hiện nay. Vì thế, quyền lợi người tham gia BHYT vẫn luôn được đảm bảo.
Theo đó, mức phí mua BHYT có thể tăng lên 40%. Ví dụ như mệnh giá thẻ BHYT hiện nay là 450.000 đồng/người/năm sẽ tăng lên 600.000 đồng/người/năm. Với mức tăng mới này sẽ đảm bảo quỹ BHYT ổn định trong việc chi trả giá viện phí tăng.
Cụ thể, mức tăng giá viện phí theo dự thảo mới, đó là BHYT thay vì thanh toán 3.000 - 5.000 đồng/lần khám chữa bệnh, mức thanh toán khám bệnh mới là 30.000 đồng/lần (cho bệnh viện hạng cao nhất) và từ 10.000-20.000 đồng/lần cho các bệnh viện tuyến dưới (tăng 7 lần so với giá cũ). Giá giường bệnh/ngày từ 10.000 sẽ tăng lên 50.000-100.000 đồng/ngày, tùy theo tuyến điều trị. Ngoài ra, giá thanh toán các phẫu thuật, thủ thuật, vật tư tiêu hao cũng được điều chỉnh tăng lên để phù hợp với chất lượng cũng được điều chỉnh, như nắn trật khớp háng, bó bột tay (chân) đều tăng thêm ít nhất 100.000 đồng/lần. Mổ quặm hai mi tăng từ 20.000 đồng (tối thiểu), 30.000 đồng (tối đa) lên 400.000 đồng- 450.000 đồng/lần…
Được biết, đến nay đã có 60% dân số tham gia BHYT, số còn lại chưa tham gia BHYT này thì có tới 15% đối tượng cận nghèo. Ông Thảo cho biết, BHXH sẽ đề nghị địa phương phải tổ chức, tạo điều kiện cho họ tham gia BHYT đầy đủ. Ngoài ra, còn khoảng 25% là đối tượng lao động tự do, người nông dân tham gia BHYT tự nguyện. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ 20% chi phí tham gia BHYT để giảm bớt gánh nặng cho các đối tượng này.