Hai từ “lãnh cung” hiện vẫn chứa nhiều bí ẩn. Thực chất, nó nằm ở đâu trong Tử Cấm Thành và những tuyệt sắc mỹ nhân nào từng bị giam cầm ở nơi quạnh quẽ, đơn côi ấy?
Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, cách nói: Hoàng đế sở hữu "Tam cung lục viện thất thập nhị phi tần” từng rất phổ biến. Trước hết, cần hiểu chính xác khái niệm “tam cung lục viện”.
Vào thời Minh, Thanh, các cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh được gọi là “tam cung”. “Tam cung” này nằm ngay trục giữa của Cố Cung. Riêng “lục viện” bao gồm những cung ở phía đông: Trai Cung, Cảnh Nhân Cung, Thừa Càn Cung, Chung Túy Cung, Cảnh Dương Cung và Vĩnh Hòa Cung. “Thấp thập nhị phi” hay “Phấn đại tam thiên” dùng để chỉ số lượng thê thiếp nhiều không kể xiết của hoàng đế.
Cuốn “Lễ ký” chép rằng, nhà Chu duy trì chế độ: “Thiên tử hậu lục cung, tam phu nhân, cửu tần, nhị thập thất thế phụ, bát thập nhất ngự thê”. Điều đó cho thấy, số lượng thê thiếp của bậc đế vương là cực lớn và được phân thành nhiều cấp bậc khác nhau: từ phu nhân, tới phi thần, thế phụ, ngự thê…
Lãnh cung cho tới nay vẫn còn là bí ẩn. (Ảnh minh họa).
Nắm trọn thiên hạ trong tay, các hoàng đế xưa có thể tùy ý tuyển chọn mỹ nữ, từ những người đẹp xuất thân quyền quý cao sang, tới những thôn nữ dân dã tuyệt sắc nhân gian làm vợ.
Đã dấn thân vào chốn hậu cung, nữ nhi nào cũng ao ước được vua sủng ái. Nhưng, chiếm trọn trái tim ông hoàng không có nghĩa suốt đời sẽ sống trong ngọc ngà nhung gấm. Chỉ cần làm bậc thiên tử phật lòng, hay vì những lý do khác nhau mà phạm điều cấm kỵ, dù là chính cung hoàng hậu hay phi tần đều có nguy cơ bị thất sủng và giam cầm trong cấm thất chờ chết. Nơi ấy được gọi là “lãnh cung”.
Về vấn đề này, có học giả cho rằng, lãnh cung thực chất là một nơi không cố định, dùng làm nơi giam cầm các Vương phi, hoàng tử. Lại có quan điểm cho rằng, cung Càn Thanh và cung Trường Xuân chính là chốn bí ẩn này.
Những sử liệu triều Minh, Thanh cho thấy, trên thực tế, không bức hoành phi nào trong Tử Cấm Thành đề hai chữ “lãnh cung”, cũng có nghĩa, tên gọi này không được dùng để đặt cho một cung thất cụ thể. Chỉ một vài nơi được sử dụng như lãnh cung thực sự trong hai triều Minh, Thanh xưa.
Vào cuối triều Minh, Thành Phi Lý thị - một “bóng hồng” của Thiên Khải hoàng đế vì đắc tội với thái giám “quái thai” Ngụy Trung Hiền nên bị đuổi từ cung Trường Xuân sang cung Càn Tây tại phía Tây Ngự Hoa Viên. Bà phải chịu kiếp đơn côi, tủi nhục trong suốt bốn năm tại đây. Ngoài Lý thị, còn có ba người nữa như Định Phi, Khác Tần... cũng bị giam cầm tại nơi này. Vì vậy, Càn Tây chính là “lãnh cung” thời bấy giờ.
Theo lời kể của thái giám, vào những năm Quang Tự triều Thanh, trước khi bị Từ Hy thái hậu đẩy xuống giếng sâu, Trân Phi đã bị Lão Phật Gia giam cầm tại Bắc Tam Sở, phía Bắc Cảnh Kỳ Các. Nơi này hiện đã bị sụp đổ và chính là khu vực nằm trong Sơn Môn, phía Tây giếng Trân Phi ngày nay. Nếu những lời kể trên của hoạn quan là thực, thì Bắc Tam Sở cũng được xem là “lãnh cung” trong Thanh triều.
Tử Cấm Thành là gì? Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) hay Cố Cung (theo cách gọi ngày nay), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh Trung Quốc. Diện tích Tử Cấm Thành là 720.000m², gồm 800 cung và 9999 phòng. Do đó, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987 với tên gọi là Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương. Khu Tử Cấm thành tọa lạc tại chính nam của Quảng trường Thiên An Môn. Có thể đi vào Cố Cung qua Thiên An Môn. Tử Cấm Thành được Hoàng thành bao bọc xung quanh. |