Giải mã bí ẩn dấu chân đỏ như máu trên quan tài cổ thời Chiến Quốc

  •  
  • 1.850

Cách đây không lâu, khi tham gia khai quật quần thể mộ cổ Nghiêm Thương nằm ở làng Tùng Lâm, thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, đội ngũ khảo cổ đã bất ngờ phát hiện một chiếc quan tài cổ trong ngôi mộ 2000 năm tuổi ở Gò Con Lửng.

Đáng nói, trên chiếc quan tài này lại có dấu chân đỏ như máu in phía trên, thoạt nhìn vô cùng rợn người đồng thời cũng ẩn chứa những bí ẩn mà những nhà khảo cổ vô cùng muốn biết, muốn truy tìm sự thật phía sau.

Được biết, khu quần thể mộ cổ Nghiêm Thương đã được Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hồ Bắc cho phép khai quật vào năm 2009 tuy nhiên vì điều kiện làm việc khá eo hẹp nên quá trình làm việc có nhiều khó khăn.

Các cổ vật được tìm thấy thường bao gồm đồ gỗ, các đồ vật bằng đồng, thẻ tre không còn hoàn chỉnh cùng một số đồ dùng bằng sắt rất quý thời kỳ chiến quốc, thuộc về nước Sở. Trong đó đồ vật có giá trị nhất được khai quật là cỗ chiến xe của chỉ huy nước Sở, được bảo quản khá tốt.

Xe ngựa thời nước Sở cổ đại

Cổ vật phát hiện trong ngôi mộ cổ

Dấu chân đỏ như máu ở phần giữa của quan tài, vị trí ở ngang ngực của chủ mộ. 
Dấu chân đỏ như máu ở phần giữa của quan tài, vị trí ở ngang ngực của chủ mộ.

Lần này tìm hiểu sâu hơn, các nhà khảo cổ mới phát hiện chiếc quan tài cổ, chủ nhân của ngôi mộ. Dỡ nóc quan tài, các nhà khảo cổ phát hiện một vết chân đỏ như máu ở phần giữa của quan tài, vị trí ở ngang ngực của chủ mộ. Qua đo đạc, vết chân có chiều dài khoảng 26cm, chỗ rộng nhất khoảng 10cm, tương đương cỡ 42 của cỡ giày hiện tại.

Phát hiện này khiến các nhà khảo cổ học sửng sốt bởi họ chưa từng thấy điều gì tương tự trong lịch sử khai quật các ngôi mộ cổ trước đây. Có nhiều giả thuyết được đưa ra.

Giả thuyết đầu tiên cho rằng, căn cứ vào những vật dụng được tìm thấy rải rác, chủ nhân ngôi mộ là một chính trị gia kiêm quan võ lúc sinh thời. Có thể khi còn sống, chủ nhân ngôi mộ đã xúc phạm và lấy đi tính mạng của nhiều người. Chính vì thế sau khi chết đã bị kẻ thù in dấu chân lên quan tài, mục đích là để nguyền rủa.

Giả thuyết thứ hai lại suy đoán rằng, dấu chân đỏ như máu này có lẽ liên quan đến phong tục tang lễ của nước Sở. Vì người dân nước Sở rất mê tín, tin vào yêu ma quỷ nên có thể dấu chân trên quan tài chỉ là biểu tượng tượng trưng cho sự thương tiếc, nhớ nhung của gia đình, người thân đối với người đã mất.

Cập nhật: 29/03/2021 Theo Tiền Phong
  • 1.850