Giải mã bộ gien chim manh manh

  •   22
  • 1.866

Việc xác định hơn 800 gien liên quan đến việc tập hót của chim manh manh có thể làm sáng tỏ những rối loạn về ngôn ngữ của con người.

Chim manh manh con học hót gần như giống với cách trẻ con học nói, bằng cách bắt chước người lớn. Điều đó có nghĩa là loài chim nhỏ bé này có thể được xem là mô hình có giá trị để tìm hiểu việc học tập và ghi nhớ ở người.

Chim manh manh Úc nặng chưa đầy 14 gram, là loài chim thứ hai có bộ gien được giải mã (sau gà vào năm 2004). Chim trống con bắt chước tiếng hót của cha nó và cứ thế truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Từ cách học như vậy của chim manh manh, và nhiều gien của chúng cũng được tìm thấy ở người nên loài chim này có thể giúp ích cho việc tìm hiểu nguồn gốc của các rối loạn ngôn ngữ, chẳng hạn như chứng tự kỷ, đột quỵ, nói lắp và bệnh Parkinson. Các chuyên gia nhận định bộ gien của chim manh manh "có sự liên quan đặc biệt với thần kinh học của con người".

Tuy nhiên, việc tách gỡ một chuỗi yếu tố di truyền và phân tử phức tạp liên quan đến sự học tập không phải dễ dàng. Đặc biệt, nhiều gien được kích hoạt bởi tiếng chim hót không hoạt động như gien bình thường được mã hóa để tạo ra protein. Thay vào đó, chúng thuộc về một phần hệ gien không mã hóa, hoặc từng bị gọi là DNA rác. Việc phân tích bộ gien của chim manh manh cung cấp thêm dữ liệu để chứng minh rằng những đoạn DNA này không phải là "rác", mà thực sự có chức năng sinh học quan trọng.

Theo Thanh Niên
  • 22
  • 1.866