Hoàng đế thiếu niên Tutankhamun, người mà cuộc đời và cái chết thu hút sự chú ý của giới khoa học trong gần một thế kỷ qua, lìa đời vì bệnh xương và sốt rét.
Khuôn mặt vua Tutankhamun được các nhà khoa học phục dựng. Ảnh: msn.com.
Năm 1922, nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter cùng với huân tước Carnarvon tìm thấy mộ Tutankhamun tại thung lũng Các vị vua ở thành phố Luxor. Trong mộ vẫn còn xác ướp của ông. Phát hiện của Howard Carter khi đó được đánh giá là sự kiện khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20. Nó quan trọng vì lăng mộ của Tutankhamun là mộ pharaoh duy nhất từ trước tới nay hầu như còn nguyên vẹn. Trong hơn 3.000 năm qua, gần như tất cả các mộ ở thung lũng Các vị vua đều đã bị bọn trộm viếng thăm.
Vì lăng mộ còn nguyên vẹn nên toàn bộ báu vật chôn theo ông cũng còn nguyên. Gần 5.000 đồ tạo tác, trong đó có nhiều đồ bằng vàng ròng, được tìm thấy cùng xác ướp của vị vua trẻ tuổi này thực sự là một kho báu khổng lồ, khiến cả thế giới kinh ngạc và giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm rất nhiều về lịch sử Ai Cập thời đó.
Telegraph cho biết, vua Tutankhamun - thường được gọi là vua Tut - rất có thể là vua thứ 12 của triều đại thứ 18 trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Nhiều nhà khoa học cho rằng ông trị vì từ năm 1334 tới 1324 trước Công nguyên.Vua Tut qua đời khi mới 19 tuổi và không có con nối ngôi. Cái chết của ông trở thành một bí ẩn trong suốt nhiều thế kỷ.
Khuôn mặt thật của vua Tutankhamun. Ảnh: wordpress.com.
Trong hơn hai năm qua các nhà khoa học của Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập đã nghiên cứu 11 xác ướp của các pharaoh, trong đó có vua Tut. Họ sử dụng các kỹ thuật phân tích gene, chụp tia X và cả những biện pháp thường dùng trong ngành nhân loại học.
Nhờ nỗ lực của các nhà khoa học mà nhiều xác ướp vô danh đã được xác định, trong đó có Akhenaten - cha của Tut - và Tiye - bà ngoại của Tut. Một xác ướp có mã số KV35YL được xác định là mẹ của vị hoàng đế thiếu niên.
Tiến sĩ Zahi Hawass, tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập, cho biết, nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều căn bệnh trong gia đình vua Tut. Một trong số đó là bệnh Kohler loại II - tình trạng rối loạn khiến xương vỡ do thiếu máu. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy dấu vết của ký sinh trùng gây bệnh sốt rét trong 4 xác ướp - bao gồm cả xác của vua Tut.
Nhóm nghiên cứu kết luận: "Kết quả phân tích cho thấy tình trạng hoại tử của xương cùng với bệnh sốt rét có thể là nguyên nhân gây nên cái chết của Tutankhamun".
Các chuyên gia từng tìm thấy 130 gậy chống trong lăng mộ vua Tut. Sự hiện diện của những chiếc gậy chống củng cố giả thuyết về việc vua Tut bị bệnh xương khiến ông không thể đi lại bình thường.
Theo Discovery, những bức ảnh chụp X quang cho thấy hai chân của vị hoàng đế thiếu niên có nhiều chỗ biến dạng. Chẳng hạn, một ngón chân thiếu đoạn xương giữa khiến nó trở nên ngắn hơn các ngón chân khác. Ngoài ra một chân của Tut còn bị vẹo.