Giải mã chiều cao vượt trội của người Hà Lan

  •   53
  • 3.399

Cuối thế kỷ XIX, Hà Lan vẫn bị cho là đất nước lùn nhất châu Âu. Ngay cả chiều cao trung bình của các quân nhân cũng mới chỉ 165cm, trong khi đó người Mỹ đã đạt 170cm.

Thế nhưng, sau 160 năm, chiều cao trung bình ở Hà Lan đã tăng vọt 20cm. Bây giờ, họ bỏ xa Mỹ và lừng danh là dân tộc có chiều cao ưu việt nhất hành tinh.

Không do di truyền

1/3 diện tích Hà Lan thấp dưới mực nước biển.
1/3 diện tích Hà Lan thấp dưới mực nước biển.

Hà Lan là quốc gia ở châu Âu, có diện tích 41.848km2 và dân số hơn 17,3 triệu người. Họ nổi tiếng là quốc gia cối xay gió và hoa tulip. Trong thời đại ai nấy cũng cuồng “kích thước dọc” ngày nay, họ còn khiến toàn cầu ngưỡng mộ vì chiều cao trung bình đáng nể nhất: 168,7cm ở phụ nữ và 182,5cm ở đàn ông. Nó nâng chiều cao trung bình của cả nước lên đến 176,6cm, chiếm vị trí quán quân thế giới.

Cũng tại châu Âu và ở các nước có chiều cao trung bình lớn nhất, Latvia: 175,6cm, Estonia:175,1cm, Đan Mạch: 174,2cm... Người Mỹ từng tự hào cao nhất thế giới vào thế kỷ XIX nay cũng chỉ 170,3cm.

Chúng ta thường hay bảo nhau, cha mẹ cao thì con cái ắt cũng cao. Nói cách khác, chiều cao là do di truyền. Tuy nhiên, “sự tăng trưởng của người Hà Lan là đột biến”, Louise Barrett (giáo sư ĐH Lethbridge, Canada) đánh giá. “Nó không thể nào là do di truyền, vì sự ảnh hưởng từ tác động sinh học hay chọn lọc tự nhiên không đời nào lại quá nhanh như thế”. 

Bảng thống kê của sinh sản và chiều cao ở Hà Lan cũng chỉ ra, phần lớn các cặp vợ chồng có nhiều con đều thuộc nhóm người sở hữu chiều cao trung bình. Điều này cũng tương ứng với ở Mỹ và các quốc gia khác. Những đàn ông và phụ nữ “khiêm tốn về chiều cao” thường dễ thụ thai và có nhiều con hơn người cao.

Kỳ thực, nhận thức chiều cao do di truyền không sai. Chí ít, nó cũng chiếm 23% trong các yếu tố quyết định chiều cao của một người. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh bại “sự sắp đặt số phận” này bằng nhiều nhân tố khác. Và Hà Lan là bài học thực tế trực quan, vì những lý do sau.

Đất thấp

Xét trên mặt địa lý, Hà Lan là một trong những quốc gia trũng nhất thế giới. Có tới 1/2 diện tích đất liền ở đây thấp bằng và dưới mực nước biển, quanh năm bị thủy triều dâng ngập.

Suốt nhiều thế kỷ, người Hà Lan phải chiến đấu với sóng biển bằng hệ thống đê, kênh mương và cối xay gió thoát nước. Từ thế kỷ XIII-XIX, họ đã khai hoang tổng cộng 520.000ha đất bằng cách đắp đê chắn sóng và tháo nước hồ, đầm lầy...

Vào năm 1920, người Hà Lan còn khởi động một dự án thủy lợi không tưởng nhất thế giới: Chinh phục vịnh nông Zuiderzee rộng 5.000km2. Họ chia nó thành nhiều mảnh, lấy đất từ 1.620km2 các khu vực cao hơn khác nhau đưa đến đây, đắp đập, xây dựng mạng lưới đê trải rộng. Sau 77 năm, họ thành công biến 1.500km2 Zuiderzee thành đất liền. Cũng chính tại đây, người Hà Lan thành lập tỉnh  Flevoland với dân số lên đến trên 400.000 người.

Bò sữa là yếu tố chính quyết định chiều cao của người Hà Lan.
Bò sữa là yếu tố chính quyết định chiều cao của người Hà Lan.

“Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng người Hà Lan mới tạo ra người Hà Lan”, đây là câu cửa miệng của dân tộc sống chung với ngập úng này. Có điều, các vùng đất mới được tháo nước luôn bị nhiễm phèn chua, quá nhiều axit nên không thích hợp trồng rau hoặc ngũ cốc.

“Dù vậy, nó cực kỳ tốt cho cỏ”, nhà khoa học Mewis Hettinga (Hà Lan) giải thích. Thay vì trồng trọt, người Hà Lan để mặc cỏ tha hồ nảy mầm đâm lá trên hàng ngàn km2. Khắp đất nước trũng nhất Trái đất này, đâu đâu cũng tràn ngập các đồng cỏ xanh mát mắt. Trên những cánh đồng ấy, người ta chăn thả gia súc, đặc biệt chú trọng thả bò.

Cuồng sữa

Người Hà Lan chăn nuôi bò vì 2 mục đích chính, lấy thịt và lấy sữa. Họ có đến hơn 20.000 trang trại nuôi bò. Giữa đất nước nhìn đâu cũng thấy bò này, sữa trở thành thức uống chính. Các cư dân yêu thích và nghiện sữa bò. Trẻ con Hà Lan uống sữa bò mà lớn. Trong sữa có rất nhiều canxi, giúp phát triển xương và gia tăng chiều cao.

Ngoài sữa tươi, người Hà Lan còn thành thạo chế biến pho mát. Họ nổi danh là đất nước phô mai, có đủ các kiểu sữa kết đông ngon lành và hạn sử dụng lâu dài. Khi lượng đất đai khai hoang để cỏ ngày càng tăng, người Hà Lan mở ngành công nghiệp sữa, xuất khẩu sữa và các sản phẩm khác từ sữa bò ra khắp năm châu. Các trang trại chăn nuôi cũng lần lượt gia tăng số lượng bò sữa. Nếu vào năm 2009, trung bình mỗi trang trại có 73 con bò sữa thì đến năm 2019 đã tăng lên thành 97 con.

Bên cạnh sản lượng sữa xuất khẩu cao nhất toàn cầu, đất nước Hà Lan vẫn là nơi tiêu thụ sữa nhiều nhất thế giới. Ngay cả người không thích sữa cũng vẫn yêu các thực phẩm khác từ sữa. Các hội chợ pho mát liên tục được mở, giới thiệu các món pho mát cũ, mới. Hầu như món ăn nào trong thực đơn của người Hà Lan cũng có sữa hoặc phô mai. Chính nhờ chúng mà chỉ trong vòng 160 năm, chiều cao trung bình của họ đã tăng vọt 20cm.

Ngày nay, ngay cả các thành phố lớn ở Hà Lan cũng quan tâm tạo không gian chăn nuôi bò. Họ thậm chí xây dựng cả đảo nổi làm trang trại. Chỉ cần từ trung tâm Rotterdam đi về phía Tây, bạn sẽ gặp một trang trại bò nổi cực kỳ đẹp mắt.

Nó được thiết kế nổi bập bềnh trên mặt biển, sử dụng phương pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường.

Đầu tiên, năng lượng được dùng để vận hành các máy móc trong trang trại nổi này là mặt trời. Nó được lấy từ hệ thống mái lợp lắp tấm pin thu ánh nắng. Dưới lớp mái trang trại, người ta gắn máng dẫn, tận dụng nước mưa làm nước cho bò uống và dọn dẹp vệ sinh.

Thức ăn của bò bao gồm các phế phẩm từ những nhà máy chế biến rau quả (ví dụ như vỏ khoai tây, lá rau già...) trong thành phố và cỏ sân gôn. “Những con bò này giúp chúng tôi xử lý cặn sinh khối đô thị, chuyển hóa rác thực phẩm thành sữa tươi tốt cho sức khỏe”, Minke van Wingerden (chủ trang trại bào sữa ở  Rotterdam) tự hào nói.

Tất nhiên là ngoài sữa, người Hà Lan còn nhiều bí quyết tăng trưởng chiều cao bổ sung. “Ở Hà Lan, mọi thứ đều vì tương lai và sức khỏe của lớp măng non”, Barrett cho biết. Không có ở đâu trên Trái đất, trẻ em lại sướng hơn ở Hà Lan. Các ông bố bà mẹ chú tâm cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của con cái. Ngành giáo dục cho phép HS tự do phát triển sở thích, sở trường, tuyệt đối không gò bó hay thúc ép điều gì. Hệ thống y tế, phúc lợi... đều ưu tiên trẻ em trước.

Chính nhờ các điều kiện tuyệt vời này, dù không cần đến lợi thế di truyền, người Hà Lan vẫn cao nhất thế giới.

Cập nhật: 18/09/2020 Theo GD&TĐ
  • 53
  • 3.399