Bạn từng ngưỡng mộ những tay mạo hiểm dám chinh phục các hành trình khiến bạn rùng mình? Các nhà khoa học tìm ra 26 biến thể di truyền khiến họ khác bạn và cũng khẳng định: có "máu liều" chưa chắc tốt!
Có 26 biến thể di truyền trong con người quyết định "máu liều" của một cá nhân. Chính nó là chìa khóa thành công của nhiều vận động viên giữ kỷ lục thế giới, những tay leo núi, những tay đua được mọi người ngưỡng mộ. Một ví dụ là người giữ kỷ lục thế giới về lặn tự do William Trubridge đã giải thích về thành tích đáng nể của anh "nó vẫy gọi tôi vượt ra ngoài giới hạn của tôi".
"Máu liều" giúp bạn gan dạ hơn và cảm thấy hứng thú khi làm những việc có rủi ro - (ảnh: LOS ANGELES TIMES).
Nhưng tiếc thay, "máu liều" cũng làm tăng nguy cơ sống không lành mạnh, tâm thần, béo phì và cả… thói quen phiêu lưu tình ái.
Đó là những vấn đề được nhóm tác giả Emma Cliffton, Felix Day, Ken Ong, đến từ Đại học Cambridge (Anh) chỉ ra trong bài báo vừa đăng tải trên tờ The Conversation.
Với câu hỏi "Bạn sẽ mô tả mình là một người thích rủi ro?", họ đã thu thập được câu trả lời từ hơn 500.000 người trưởng thành khỏe mạnh tại Anh và phân tích đời sống của họ.
Nhóm "thích rủi ro" thường ưa ném mình vào các cuộc phiêu lưu, các trò mạo hiểm. Phụ nữ có máu liều thường có con sớm hơn vì đơn giản họ thuộc tuýp người sẵn sàng dấn thân vào các mối quan hệ có rủi ro. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là có vài yếu tố không mấy lành mạnh mà "máu liều" kích thích người ta tìm tới. Các nhà khoa học phát hiện nhóm thích rủi ro có tỉ lệ hút thuốc và uống rượu cao hơn, thường tìm cách hút và uống từ khi còn trẻ. Nguy cơ dính dáng đến ma túy cũng tăng.
Họ cũng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, bởi máu liều phần nào làm ảnh hưởng khả năng kềm chế cảm xúc. Họ thường ăn uống thiếu lành mạnh cũng như hay lao vào ăn uống để giải quyết cảm xúc.
Các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân thuộc về 26 biến thể di truyền đã sinh ra "máu liều". Có 4 vùng não bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền này: vùng vỏ não trước trán, vùng hippocampus, vỏ não vùng đai trước và vùng dưới đồi. Các vùng này đều liên quan đến sự điều chỉnh hành vi, cảm xúc, khả năng ức chế hành vi, cảm giác thỏa mãn khi đạt được điều gì đó…
Vì vậy, một số người thấy những thứ nguy hiểm trở nên thu hút, thú vị hơn, khó kềm mình dấn thân dù nguy hiểm. Họ cũng dễ đạt được cảm giác thích thú, ngây ngất khi vượt qua nguy hiểm đó.
Các nhà khoa học cho biết mục tiêu của họ là giải mã nguyên nhân của sự ưa thích rủi ro, từ đó có cách để hiểu và kiểm soát khi ai đó có quá nhiều hành vi không mong đợi: "liều" mạng gây nguy hiểm cho cộng đồng, dễ mất cân bằng cảm xúc, hút thuốc, uống rượu...
Ngược lại, "máu liều" được khai thác đúng chỗ sẽ trở thành tài sản quý vì những người này có thể phát huy thế mạnh trong các hoàn cảnh, nghề nghiệp cần đến sự mạo hiểm. Phi hành gia Neil Armstrong đã nói: "Sẽ không có thành tựu tuyệt vời nào nếu không có rủi ro".