Các nhà nghiên cứu Italy đang áp dụng công nghệ y học hiện đại để làm sáng tỏ những bí ẩn liên quan đến xác ướp Ai Cập.
Một xác ướp Ai Cập cổ đại hôm 21/6 đã được chuyển từ Bảo tàng Khảo cổ học ở thành phố Bergamo đến Bệnh viện Policlinico ở Milan, nơi các chuyên gia sẽ sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để làm sáng tỏ cuộc đời của ông cũng như phong tục chôn cất gần 3.000 năm trước.
Các nhân viên y tế quét CT xác ướp gần 3.000 năm tuổi. (Ảnh: Reuters).
"Đó là một loại khám nghiệm tử thi ảo. Chúng tôi có thể tạo ra hình ảnh 3D để nghiên cứu tổng thể xác ướp, cho phép tái tạo cuộc sống và cái chết của người này. Chúng tôi cũng có thể đo chiều cao và xác định lại giới tính dựa trên phân tích xương chậu", Giám đốc Nghiên cứu Dự án Xác ướp Sabina Malgora cho biết.
Công nghệ CT scan cho phép tái tạo hình ảnh 3D để nghiên cứu tổng thể xác ướp. (Ảnh: Reuters).
Ngoài chụp cắt lớp vi tính, nhân viên y tế cũng tiến hành phân tích hóa học và vật lý để tìm hiểu những loại chất nào được sử dụng để ướp xác.
"Các xác ướp thực sự là một bảo tàng sinh học. Chúng giống như những viên nang thời gian. Nghiên cứu bệnh tật và các vết thương cổ đại rất quan trọng đối với nghiên cứu y học hiện đại", Malgora nói thêm.
Nhóm nghiên cứu xem hình ảnh quét CT xác ướp trên màn hình máy tính. (Ảnh: Reuters).
Chữ viết khắc trên cỗ quan tài (có niên đại từ khoảng năm 900 TCN đến năm 800 TCN) tiết lộ rằng xác ướp thuộc về một linh mục Ai Cập cổ đại được gọi là Ankhekhonsu, có nghĩa là "Thần Khonsu còn sống".
Kết quả CT scan có thể xác nhận điều đó chính xác hay không. Vào tháng 4, một xác ướp cũng được cho là hài cốt của nam linh mục đã được các nhà khoa học Ba Lan quét CT và phát hiện ra rằng đó thực tế là thi thể của một phụ nữ trẻ đang mang thai ở độ tuổi 20.