Thiên thạch khổng lồ tấn công Trái Đất bất ngờ: Đây chính là nguy cơ từ không gian khiến giới khoa học "điên đầu" nhất.
Ngày 18/12/2018, phía trên vùng biển Bering (bắc Thái Bình Dương) cách mặt biển chỉ 25,7km, xuất hiện một vụ nổ thiên thạch tỏa ra nguồn năng lượng gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản, năm 1945).
Không ai nghe hay chứng kiến vụ nổ thiên thạch này, ngoại trừ vệ tinh quân sự của Không quân Mỹ. Nhận thấy nguồn ánh sáng bất thường ở Thái Bình Dương, vệ tinh quân sự Mỹ đã chụp hình ảnh và gửi về cho NASA phân tích ít lâu sau.
Theo dữ liệu NASA, thiên thạch có đường kính 10m nhưng nặng đến 1.400 tấn này đã lao vào vùng khí quyển Trái Đất với tốc độ 115.872 km/giờ. Sau khi phát nổ, thiên thạch tỏa ra nguồn năng lượng khủng khiếp lên tới 173.000 tấn TNT (số liệu của Forbes), bằng khoảng 40% năng lượng của vụ nổ thiên thạch từng là rung chuyển thành phố Chelyabinsk (Nga) năm 2013.
NASA đánh giá, thiên thạch phát nổ ngày 18/12/2018 là vật thể không gian mạnh thứ 2 phát nổ tại bầu khí quyển Trái Đất trong lịch sử 30 năm trở lại đây (xếp sau thiên thạch đường kính 20m trong vụ nổ thiên thạch Chelyabinsk).
Lindley Johnson, chuyên gia hành tinh học của NASA, nói trên BBC rằng, sự kiện thiên thạch phát nổ mạnh mẽ như vậy xảy ra rất hiếm, chỉ khoảng vài lần trong mỗi 100 năm.
Ba câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta không hay biết gì về sự xuất hiện của thiên thạch 1.400 tấn này? Và tại sao đến tận giữa tháng 3/2019, sau 3 tháng xảy ra, báo chí quốc tế (CNN, Forbes, The Guardian...) mới thông tin đến công chúng về vụ nổ thiên thạch mạnh thứ 2 trong lịch sử 30 năm trở lại đây? Liệu loài người có rơi vào hố diệt vong vì thiên thạch?
Không một ai chứng kiến
Sciencealert phân tích, nếu vụ nổ thiên thạch tháng 12/2018 xảy ra phía trên một thành phố - như vụ nổ thiên thạch Chelyabinsk ở Tây Nam nước Nga hồi tháng 2/2013 - thì chúng ta sẽ chứng kiến và nghe rõ về nó vào thời điểm phát nổ.
Nhưng vì thiên thạch 1.400 tấn phát nổ ở phía trên vùng biển Bering xa xôi, sự kiện này đã không được chú ý trong hơn 3 tháng cho đến khi mọi thông tin chi tiết được NASA công bố tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt Trăng lần thứ 50 diễn ra tại bang Texas (Mỹ) từ 18 đến 22/3/2019.
Hiểm họa từ không gian
Hệ Mặt Trời chứa đầy vật chất tàn dư còn sót lại từ sự hình thành của các hành tinh. Hầu hết chúng "bị nhốt" trong các vùng chứa ổn định như vành đai tiểu hành tinh, vành đai Edgeworth-Kuiper, và Đám mây Oort - cách rất xa Trái Đất.
Hệ Mặt Trời chứa đầy vật chất tàn dư còn sót lại từ sự hình thành của các hành tinh. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, các khu vực chứa bụi khí, thiên thạch, sao chổi... này liên tục bắn các vật thể vào không gian liên hành tinh. Bởi thế, Hệ Mặt Trời của chúng ta tràn ngập những mảnh vụn vũ trụ từ hạt bụi nhỏ cho đến sao chổi và các tiểu hành tinh có đường kính hàng km.
NASA cho biết, các mảnh vụn vũ trụ "tấn công" bầu khí quyển Trái đất và bề mặt Mặt Trăng xảy ra mọi lúc. Tuy nhiên, phần lớn chúng đều vô hại, chỉ những vật thể đường kính tối thiểu 30m phát nổ trong vùng khí quyển Trái Đất thì mới có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho hành tinh chúng ta.
Vết sẹo của Trái Đất
Lịch sử Trái Đất chứng kiến không ít lần thiên thạch phát nổ, gây ra những "vết sẹo" còn tồn tại đến tận ngày nay. Tác động lớn nhất, tàn khốc nhất là thiên thạch lao vào Trái Đất cách đây 65 triệu năm khiến khủng long tuyệt chủng hoàn toàn.
3 vụ nổ không gian lớn nhất trong lịch sử Trái Đất hiện đại. Dữ liệu: Forbes.
Ngoài ra, nhưng va chạm nhỏ hơn cũng gây nên hậu quả rõ rệt: Đó là Sự kiện Tunguska tại Siberia (Nga) năm 1908. Mặc dù nhà khoa học vẫn còn nhiều nghi vấn về nguồn gốc vụ nổ tuy nhiên, hậu quả của vụ nổ tương đương 10-15 triệu tấn TNT là vô cùng khủng khiếp: San phẳng khoảng 80 triệu cây trên diện tích 1.994 km2.
Riêng vụ nổ thiên thạch Chelyabinsk năm 2013 khiến 1.500 người bị thương và khoảng 7.000 tòa nhà bị hư hại, rất may không có ai thiệt mạng.
Giới khoa học giúp ích được gì?
NASA cho biết, cơ quan này không bỏ sót bất cứ sự kiện không gian nào có tác động ít nhiều đến sự an nguy của Trái Đất.
Nhiều thập kỷ qua, NASA và các nhà khoa học quốc tế đã phối hợp để thực hiện sứ mệnh Quan sát Vật thể không gian tiềm ẩn nguy hiểm cho Trái Đất (PHOs) nhằm đưa ra dự đoán, biện pháp phòng tránh tốt nhất.
Tuy nhiên, vũ trụ luôn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường, nằm ngoài dự đoán và kiểm soát của các nhà khoa học, sự kiện thiên thạch phát nổ phía trên biển Bering là một ví dụ.
Đây là nguy cơ khiến giới khoa học "điên đầu" nhất khi thiên thạch có kích thước lớn vẫn có thể "tấn công" Trái Đất mà không có cảnh báo nào được đưa ra!
Alan Harris, một nhà khoa học cao cấp từ Trung tâm hàng không vũ trụ Đức, cho Space.com biết: Trong số hàng ngàn vật thể gần Trái Đất được con người biết đến, hiện có hơn 1.700 thiên thạch/tiểu hành tinh được xem là có khả năng gây nguy hiểm cho hành tinh chúng ta.
Tại sao không "tự kiểm soát vận mệnh chính mình"?
Giáo sư Vật lý thiên văn Jonti Horner, Đại học Nam Queensland (Australia), tác giả của bài nghiên cứu này, cho biết: Thay vì bị động, con người có một cách khác để tự bảo vệ mình trước thiên thạch.
Đó là tiếp cận thiên thạch/tiểu hành tinh và làm chệch hướng đường đi của nó khỏi Trái Đất!
Các sứ mệnh tàu vũ trụ Hayabusa, Hayabusa 2 của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và tàu không gian OSIRIS-REx* của NASA (phóng tháng 9/2016) đang nỗ lực thực hiện điều tưởng chừng không tưởng này.
NASA và JAXA triển khai những công nghệ cần thiết để thu thập vật liệu từ tiểu hành tinh, đưa về Trái Đất nghiên cứu, sau đó sẽ đưa ra biện pháp thích hợp nhằm thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh đó, làm giảm nguy cơ "tấn công" vào Trái Đất của chúng trong tương lai.
Theo dự kiến vào năm 2020, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA sẽ chung tay thực hiện sứ mệnh Đánh giá tác động và Làm lệch hướng tiểu hành tinh (AIDA). AIDA nhằm kiểm tra xem một tàu vũ trụ có thể làm chệch hướng thành công một tiểu hành tinh trong quá trình va chạm với Trái Đất hay không.
Giáo sư Jonti Horner bổ sung, việc thăm dò tiểu hành tinh còn rất phù hợp với tiềm năng khai thác các khoáng sản quý hiếm ngoài vũ trụ, cho phép con người thiết lập các "trạm không gian" nhằm khám phá không gian sâu hơn trong tương lai.
Mặc dù OSIRIS-REx của NASA chưa chạm đến đích tuy nhiên sứ mệnh này mở ra khả năng có thể "tự kiểm soát vận mệnh của chính mình" của loài người trước sự đe dọa khổng lồ của thiên thạch/tiểu hành tinh.
Trước đó, giới chuyên gia thế giới liệt kê thiên thạch khổng lồ "tấn công" Trái Đất là một trong những hiểm họa xóa sổ sự sống trên Trái Đất, cùng với chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu, bệnh dịch quy mô lớn.
Chú thích:
(*) Sứ mệnh của tàu OSIRIS-REx là nghiên cứu về tiểu hành tinh 101955 Bennu, một tiểu hành tinh cacbon, và mang những mẫu vật từ tiểu hành tinh này về Trái Đất vào năm 2023 để nghiên cứu chi tiết.
Nghiên cứu của Giáo sư Vật lý thiên văn Jonti Horner, Đại học Nam Queensland (Australia)/Nguồn: Sciencealert