Giải pháp đột phá nhân giống cây trồng đặc sản

  •  
  • 2.446

Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào để nhân giống khoai môn Bắc Kạn.

Hệ số nhân giống gấp ba lần so với biện pháp truyền thống, năng suất vượt 15% so với khoai trồng đại trà.

Đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong sản xuất giống khoai môn, vì đã loại bỏ được khó khăn lớn nhất là hệ số nhân giống khoai.

Đã có hơn 10.000 cây khoai môn được nhân giống thành công và trồng thử nghiệm tại hai huyện Chợ Đồn và Bạch Thông.

Giải pháp đột phá nhân giống cây trồng đặc sản
Ảnh minh họa: longproduce.com

Từ thành công này, Viện Di truyền Nông nghiệp đã nghiên cứu thử nghiệm trên giống khoai môn tầng vàng Phú Thọ, khoai sọ bản địa Nho Quan (Ninh Bình).

Người dân mở rộng diện tích, riêng giống khoai tầng vàng Phú Thọ đã tăng 70% diện tích, góp phần làm lợi cho nông dân hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiến sỹ Đặng Trọng Lương, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết đây là công trình đầu tiên trồng thành công giống khoai môn được nhân giống từ nuôi cấy mô tế bào được đưa vào sản xuất đại trà.

Công nghệ này có nhiều đặc điểm ưu việt như cho hệ số nhân giống cao, chủ động được thời gian ra cây giống, có thể phục tráng và làm sạch bệnh của các dòng giống khoai môn bị thoái hóa hoặc nhiễm bệnh.

Phương pháp này là một hướng đi đầy triển vọng trong chiến lược phát triển loài cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Tiến sỹ Lương khuyến nghị, để đưa vào sản xuất đại trà, người dân nên trồng khoai môn ở mật độ từ 3,5-4,7 vạn cây/ha cho năng suất cao nhất, trong đó mật độ 4,7 vạn cây/ha cho tổng số củ con lớn nhất.

Giá thể thích hợp cho sự thích nghi của cây ngoài điều kiện tự nhiên là giá thể cát đen hoặc đất phù sa pha với xơ dừa. Giá thể hỗn hợp đất phù sa, xơ dừa và phân chuồng thích hợp nhất để đóng bầu cây khoai môn.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 2.446