Kiệt sức sau 2 ngày đau đẻ, chị Hằng Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy mình không thể tiếp tục chịu đựng nên đã đề nghị bác sĩ cho giảm đau. Chỉ vài giờ sau, chị đã nhẹ nhàng sinh hạ một bé gái và cũng không phải chịu những cơn đau hậu sản.
(Ảnh: imagesource) |
Nga là một trong những bệnh nhân được áp dụng phương pháp gây tê tủy sống để giảm đau khi sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Chuyện tiêm thuốc vào tủy sống nghe có vẻ đáng sợ; nhưng theo bác sĩ Trần Đình Tú, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, kỹ thuật này rất an toàn, thậm chí ít tai biến hơn so với gây tê ngoài màng cứng (một phương pháp giảm đau khi sinh đang phổ biến).
Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một liều duy nhất thuốc tê Bupivacain liều rất thấp, kết hợp với một loại thuốc giảm đau trung ương vào khoảng liên đốt sống L2-L3 hoặc L3-L4. Đây là vùng chỉ có dịch não tủy, còn tủy sống nằm ở phía trên, do đó không sợ kim làm chấn thương tủy. Sau đó, sản phụ được truyền oxytocin để điều chỉnh cơn co tử cung, giúp sinh dễ dàng nhanh chóng hơn. Trong quá trình chờ sinh, sản phụ vẫn đi lại được bình thường.
Ông Tú cho biết, so với cách giảm đau khá cổ điển là gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống có hiệu quả giảm đau tương đương và thêm nhiều ưu điểm.
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng đòi hỏi được thực hiện bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, hiện chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn. Kim dùng trong kỹ thuật này khá to nên nếu lỡ tay chọc thủng màng cứng, dịch não tủy sẽ ra ngoài khi rút kim, gây đau đầu (tỷ lệ gặp triệu chứng này lên đến 80%). Nếu bác sĩ không biết bị thủng màng cứng và vẫn bơm thuốc vào, liều thuốc cao sẽ gây nguy hiểm cho sản phụ, thậm chí dẫn đến tử vong. Mặt khác, phương pháp này phải sử dụng catheter để đưa thuốc vào nên có nguy cơ đứt catheter phải mổ lấy ra.
Trong gây tê tủy sống, bệnh nhân không có các nguy cơ trên. Nhược điểm duy nhất của nó là nếu bệnh nhân sau đó cần mổ thì phải chích thuốc lại (nếu gây tê ngoài màng cứng thì chỉ cần tiếp thêm thuốc vào catheter).
Theo bác sĩ Tú, phương pháp này rất phù hợp với điều kiện Việt Nam vì an toàn (sau 5 năm thực hiện không có ca tai biến nào), dễ làm, bác sĩ tuyến tỉnh cũng thực hiện được. Cách này cũng ít tốn kém (chỉ khoảng 30-40 nghìn đồng, so với 200 nghìn đồng ở gây tê ngoài màng cứng).
Bác sĩ Tú cho biết, ngoài hai phương pháp vừa kể trên, sản phụ còn có thể giảm đau khi sinh bằng cách tiêm thuốc vào tĩnh mạch, tuy nhiên cách này cho hiệu quả không cao.
Thanh Nhàn