Nhiệt độ bất thường trong mùa đông ở dãy Andes, Nam Mỹ đã tăng lên 37 độ C. Các nhà khoa học cảnh báo điều tồi tệ nhất có thể chưa xảy ra.
Theo trang The Guardian (Anh), đợt nắng nóng ở dãy Andes, miền trung Chile đang làm tan tuyết ở độ sâu dưới 3.000 mét. Điều này sẽ gây ra tác động dây chuyền đối với cộng đồng sinh sống ở các thung lũng hạ lưu, những người phụ thuộc vào nước băng tan trong mùa xuân và mùa hè.
Ông Raul Cordero, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Groningen, cho biết ngày 1/8 có lẽ là ngày ấm áp nhất trong mùa đông ở miền Bắc Chile suốt 72 năm qua. Tại trạm Vicuña Los Pimientos ở vùng Coquimbo, nhiệt độ đã tăng lên 37 độ C do sự kết hợp của tình trạng nóng lên toàn cầu, El Niño và gió giật phía đông, được người dân địa phương gọi là gió Terral mang đến thời tiết khô và nóng.
Tuyết trên dãy Andes, Chile. (Ảnh: Shutterstock).
Theo blog Extreme Temperatures Around The World, hàng chục trạm quan trắc khí tượng ở độ cao hơn 1.000 mét đã ghi nhận nhiệt độ trên 35 độ C vào mùa đông.
Ông Cordero cho rằng, không khí nóng bất thường ở độ cao này là điều đáng lo ngại. Theo ông, vấn đề chính là nhiệt độ cao đã làm trầm trọng thêm hạn hán - ở miền đông Argentina và Uruguay và đẩy nhanh quá trình tan tuyết bằng cách nào.
Trong khi đó, thiếu nước sạch đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở xung quanh thủ đô Montevideo của Uruguay, nơi các hồ chứa đang cạn kiệt và nước máy không thể uống được.
Nam Mỹ đã trải qua những khoảng thời gian ấm nhất được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 7. Chile là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với nhiều trận hỏa hoạn xảy ra vào đầu năm nay và hạn hán kéo dài. Ông Cordero cho biết Santiago đang phải hứng chịu đợt nắng nóng thứ 9 kể từ tháng 1 và dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục 10 đợt nắng nóng hàng năm, được thiết lập vào năm 2020.
Chuyên gia Marcos Andrade, Giám đốc vật lý khí quyển tại Đại học Mayor de San Andrés ở La Paz, cho biết cao nguyên Andean nằm giữa Bolivia và Peru cũng đã trải qua thời tiết “bất thường” kể từ đầu năm.
“Tại Puno, phía bên kia hồ Titicaca, người dân đã trải qua tháng 1 khô cằn nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi nhận cách đây 59 năm. Vào tháng 5, chúng tôi đã hứng chịu cơn bão với lượng mưa bằng 20% lượng mưa cả năm thông thường. Mùa đông cũng ấm áp lạ thường. Một số vùng của đất nước đã phá kỷ lục nhiệt độ”, ông Andrade nói.
Ông bày tỏ lo ngại điều tồi tệ hơn có thể xảy ra khi Nam bán cầu bước vào mùa hè. El Niño thường đạt cực đại vào cuối năm. Ông cho rằng những tác động rõ rệt nhất của hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn chưa xảy ra.
Trong khi đó, một số thành phố ở Brazil, Argentina và Uruguay đã ghi nhận mức nhiệt xô đổ mọi kỷ lục. Nhà tư vấn môi trường Karla Beltrán cho biết năm 2023, thủ đô Buenos Aires của Argentina đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 38,6 độ C vào ngày 11/3, trong khi nền nhiệt ở thành phố Mercedes của Uruguay đạt mức kỷ lục mới là 40,5 độ C.
Bà Beltrán cho biết đợt nắng nóng này diễn ra đúng như báo cáo mới nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Báo cáo lưu ý rằng phần phía nam của Nam Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các đợt sóng nhiệt cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phía bắc Nam Mỹ - từ khu vực Amazon, bờ biển Thái Bình Dương ,cho đến sa mạc Atacama - sẽ trải qua những đợt nắng nóng thường xuyên và dữ dội hơn.
“Với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, dự kiến trong những năm tới, khu vực này sẽ phải hứng chịu sự gia tăng nhiệt độ vốn đã cao. Chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp thích ứng để tránh nguy cơ tử vong và những thảm họa lớn hơn,” bà Beltrán cảnh báo.
Ông Chico Geleira - Giáo sư khí hậu học và hải dương học tại Đại học Liên bang do Rio Grande do Sul, Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu và Cực của Brazil – cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng thời tiết này.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, các kỷ lục về nhiệt độ mùa đông ở Chile và ở một số khu vực ở Nam Mỹ là rất bất thường. Hệ thống khí áp cao diễn ra với cường độ mạnh và dai dẳng hơn ở bán cầu Nam đã thúc đẩy khí nóng, trực tiếp tạo ra nhiệt độ cực đoan. Khí áp cao sẽ có xu hướng duy trì và tăng cường trong những thập kỷ tới cùng với biến đổi khí hậu”, ông Geleira dự báo.