Một nhóm gồm 245 người mạo hiểm nhảy từ cây cầu cao 30m tại Hortolandia, cách 110km về phía tây bắc thành phố Sao Paulo, Brazil, nhằm mục tiêu thiết lập kỷ lục thế giới mới vào hôm 22/10, theo International Business Times. Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới hiện chưa xác nhận kỷ lục này, nhưng nó đã vượt qua thành tích năm ngoái của một nhóm nhảy cầu cũng đến từ Brazil với 149 người tham gia.
Những người tham gia treo mình vào một sợi dây cáp, đội mũ bảo hiểm sau đó nhảy xuống cùng lúc. Họ đung đưa qua lại trong không khí cho đến khi dừng lại hoàn toàn. Alan Fereira, người tổ chức cuộc biểu diễn, cho biết nhóm đã sử dụng tổng cộng 20km dây và 1.000 đai an toàn giống như trang thiết bị dùng để leo núi chuyên nghiệp.
Trò nhảy dây từ trên cầu xuống hơi khác với trò nhảy Bungee, đó là sợi dây không thể kéo người nhảy trở lại vị trí ban đầu do thiếu sự đàn hồi. Người nhảy bị treo lơ lửng ở cuối sợi dây và phải leo ngược lên cầu thông qua chính sợi dây đó.
Theo Live Science, 245 người nhảy từ trên cầu xuống không dựa vào độ đàn hồi của sợi dây để hấp thụ năng lượng động lực học mà dựa vào sự dao động giống như quả lắc đồng hồ. Do đó, họ vẫn sống sót khi thực hiện cú nhảy nguy hiểm.
Nếu một người nhảy từ trên cầu xuống cùng với sợi dây theo chiều thẳng đứng, người này sẽ có gia tốc bằng 9,8m/s2. Khi rơi đến hết chiều dài sợi dây, người nhảy dừng lại đột ngột và sợi dây bị kéo căng. Điều này có thể gây nguy hiểm.
245 người đã phá vỡ kỷ lục "nhảy dây" trên cầu ở Hortolandia, Brazil, vào ngày 22/10. (Ảnh: Reuters).
Ví dụ, một người rơi từ độ cao 46m sẽ di chuyển với vận tốc khoảng 113km/h tại điểm cuối sợi dây, và dừng lại chỉ trong 1/10 giây. Điều này nghĩa là họ trải qua cảm giác gấp 32 lần gia tốc của trọng lực, tương tự như đâm vào một chiếc xe hơi. Định luật chuyển động thứ hai của Newton nói rằng, lực tác động lên vật bằng khối lượng của vật nhân với gia tốc. Nếu người nhảy có khối lượng 70kg bị dừng lại trong 0,1 giây, họ sẽ cảm thấy lực tác động lên cơ thể bằng 21.910 Newton (N), ngang bằng trọng lượng của một con voi châu Á nhỏ.
Để khắc phục vấn đề này, nhóm người mạo hiểm buộc một đầu sợi dây bên dưới nhịp cầu, cùng về một phía của mép cây cầu, sau đó buộc đầu dây còn lại với người. Họ đứng ở mép cây cầu bên còn lại và nhảy xuống.
Khi đó, lực tác động ban đầu của sợi dây lên người nhảy không phải theo chiều thẳng đứng mà theo một góc xiên. Động năng ban đầu của người nhảy chuyển dần sang thế năng nên không gây nguy hiểm. Người nhảy dao động như một quả lắc đồng hồ trước khi dừng lại do ma sát với không khí.