Hà Nội sẽ thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” không người bán trong năm nay

  •  
  • 423

Trong năm 2018, Thành phố Hà Nội sẽ thí điểm vận hành chuỗi cửa hàng tự động, không người bán theo mô hình O2O (Online 2 Offline), dùng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận hàng.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2018. Kế hoạch hướng tới mục đích phát huy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0); khai thác các công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), Internet vạn vật (IoT) để sáng tạo các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại; góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Kế hoạch cũng nhằm đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; từng bước thay đổi thói quen mua sắm; hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế sử dụng tiền mặt; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khởi nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.

Theo Kế hoạch, cùng với việc giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI), Thành phố cũng đặt mục tiêu cụ thể là doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2018 chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, tăng 1% so với năm 2017.


Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2018 của Hà Nội, thời gian tới Thành phố sẽ ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Đồng thời, đưa tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 đạt 66% số người sử dụng Internet trên địa bàn thành phố, tăng 3% so với năm 2017; có 85% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ; đạt 62% doanh nghiệp có website/ ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, trong Kế hoạch mới ban hành, UBND Thành phố Hà Nội đã xác định rõ 14 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới.

Trong đó, đáng chú ý, ngay trong năm nay, Hà Nội sẽ thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” (không người bán, sử dụng mô hình O2O - Online 2 Offline, sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa). Tổ chức vận hành mạng lưới Máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu, xuyên biên giới. Khuyến khích thiết lập các website, ứng dụng thương mại điện tử chuyên doanh thực phẩm an toàn trên môi trường mạng.

Cũng trong năm nay, Hà Nội sẽ triển khai ứng dụng mã hình QR trong truy xuất trực tuyến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại; ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua; phát triển logistics điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử; xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng logistics, giao nhận hàng hóa trong địa bàn Hà Nội và với các địa phương khác trong cả nước.

Cùng với đó, năm 2018 này Thành phố cũng sẽ vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ http://bandomuasam.hanoi.gov.vn để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các điểm mua sắm, tiêu dùng, máy bán hàng tự động trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, quản lý và phát triển thị trường nội dung số; phát triển các dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực như du lịch (đặt phòng/khách sạn, tour trực tuyến), giao thông vận tải (dịch vụ đặt chỗ, mua vé máy bay, tàu hỏa, gọi xe taxi, xe mô tô 2 bánh), giáo dục (đào tạo trực tuyến); y tế (tư vấn khám bệnh trực tuyến), truyền thông (truyền hình trực tuyến)...; đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn thành phố...

Cập nhật: 11/04/2018 Theo ictnews
  • 423