Hơn bốn thập kỷ sau, đây vẫn là vụ tai nạn thảm khốc nhất lịch sử ngành hàng không, khiến 583 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và hàng nghìn người bị chấn thương tâm lý suốt đời.
Sau vài giờ bị trì hoãn, hành khách trên chiếc máy bay Pan Am 1736 cuối cùng cũng chuẩn bị được cất cánh. Chỉ vài phút nữa là họ sẽ có chuyến du ngoạn đáng mong đợi trên biển Địa Trung Hải.
Chiếc máy bay Pan Am đang từ từ di chuyển xuống đường bằng duy nhất của sân bay Tenerife thì hành khách đột ngột thấy chiếc máy bay rẽ hướng sang trái. Tưởng rằng vô tình đi lệch khỏi đường, hoá ra khi ấy ở khoang lái, cơ trưởng Victor Grubbs và cơ phó Robert Bragg đang cố gắng hết sức để lái máy bay rẽ ngang.
Họ đã thấy điều kinh hoàng xuất hiện trước mắt. Một chiếc máy bay KLM 747 đang lao thẳng xuống đường băng từ phía đối diện. Cơ trưởng Grubbs và phi hành đoàn cố gắng hết sức để tránh đường, cho dù phải lao ra bãi cỏ.
Nhưng họ đã không làm được.
Ngày 27/3/1977, vào lúc 5h06 chiều theo giờ địa phương, chiếc Pan Am 1736 và KLM 4805 đã va chạm mạnh trên đường băng của Sân bay Los Rodeos ở Quần đảo Canary.
Một bức ảnh được chụp ngay trước vụ tai nạn cho thấy chiếc Pan Am 1736 đỗ ngay sau chiếc KLM 4805. (Ảnh: HistoryNet).
Trong suốt những năm sau này, phần lớn dư luận đổ lỗi cho cơ trưởng Jacob van Zanten của chiếc KLM. Nhưng đằng sau, hàng loạt sai lầm và sự trùng hợp đáng kinh ngạc đã dẫn đến thảm hoạ này.
Ban đầu, hai chiếc máy bay đều không có lịch trình đến Tenerife, chứ chưa nói đến trên cùng một đường băng trong cùng một thời điểm. Cả hai đều chở hành khách đến nghỉ tại Đảo Grand Canary. Nhưng trước khi hai chiếc 747 hạ cánh xuống đảo, một nhóm khủng bố đã đánh bom nhà ga sân bay Las Palmas của Grand Canary. Vì thế, tất cả các chuyến bay đến đảo đều bị hoãn và chuyển hướng đến Tenerife gần đó.
Để giết thời gian, cơ trưởng Grubbs đã cho 380 hành khách trên chiếc Pan Am tham quan buồng lái của chiếc 747. Theo đoạn ghi âm được phục hồi sau tai nạn, ông Grubbs không hiểu vì sao họ phải hạ cánh, trong khi máy bay có thể duy trì trên không vì còn nhiều nhiên liệu. Đây cũng được coi là một sự trùng hợp, vì nếu Pan Am tiếp tục bay, tai nạn đã không xảy ra.
Trong khi đó, 234 hành khách trên chiếc KLM rời máy bay và xuống nhà ga Tenerife. Cơ trưởng Van Zanten quyết định tiếp nhiên liệu cho máy bay. Nhưng trớ trêu thay, ngay khi bắt đầu đổ nhiên liệu thì sân bay hoạt động trở lại. Chiếc KLM đành nằm im chờ. Nhưng chiếc Pan Am lại đỗ ngay phía sau máy bay KLM. Vì kích cỡ quá lớn, nó không thể vượt lên để cất cánh trước.
Chiếc KLM lúc này có thêm nhiên liệu nên nặng hơn, cần chạy đường băng dài hơn để cất cánh. Thảm hoạ lúc này chỉ còn cách vài phút.
Trong khi đó, sương mù bắt đầu dày đặc, tầm nhìn giảm xuống nhanh chóng.
Trước 5h chiều, trung tâm điều khiển cho phép KLM khởi động động cơ và đi vào đường băng. Vì lỗi kỹ thuật trong liên lạc giữa các phi hành đoàn và trung tâm điều khiển, chiếc Pan Am đã bỏ lỡ lối ra, còn chiếc KLM quay đầu 180 độ chạy trên chính đường băng có chiếc Pan Am đang di chuyển. Và sân bay này không có radar mặt đất.
“Chuẩn bị cất cánh. Tôi sẽ gọi cho anh”, giọng nói bên phía trạm kiểm soát trở thành câu nói bị hiểu lầm tai hại nhất lịch sử ngành hàng không. Cơ trưởng Van Zanten chỉ nghe thấy mỗi từ “cất cánh”. Khi KLM tăng tốc, cơ phó Schreuder có hỏi lại: “Pan Am còn trên đường băng không?” nhưng Van Zanten đã không nghe rõ những giây phút quý giá cuối cùng.
Điều kinh hoàng đã xảy ra khi chiếc máy bay Pan Am bất ngờ xuất hiện sau màn sương mù. Van Zanten cố gắng hết sức để máy bay cất cánh lên không trung nhưng bất thành. Đuôi máy bay đã cà thành rãnh sâu 20 m trên đường băng. Vụ va chạm khiến toàn bộ hành khách trên máy bay KLM 4805 và hầu hết người trên Pan Am 1736 thiệt mạng.
Đống đổ nát của Pan Am 1736 nằm rải rác trên đường băng Los Rodeos. (Ảnh: PA/Getty Images).
Khung cảnh bên ngoài máy bay vô cùng hỗn loạn, ngọn lửa cuồn cuộn và những cột khói đen khổng lồ bốc lên từ chiếc máy bay Pan Am. Đống đổ nát của KLM 4805 chìm trong biển lửa cách đường băng 365 m. Mặc thương tích của bản thân, phi hành đoàn của Pan Am và bốn thành viên khoang lái còn sống sót đã cố gắng hết sức để hướng dẫn những hành khách còn sống đến nơi an toàn.
Trong những năm sau vụ tai nạn ở Tenerife, chính quyền của hòn đảo đã hoàn thành một sân bay mới có radar mặt đất. Cũng từ sau thảm hoạ Tenerife, ngành hàng không quốc tế đã thay đổi mãi mãi để ngăn chặn một thảm hoạ khác tương tự.