Hài cốt 43.000 năm tiết lộ khởi đầu của những "con người lai"

  •  
  • 169

Những bộ xương trong hang động Ilsenhöhle nước Đức là bằng chứng về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử di cư và tiến hóa của con người

Theo 2 bài công bố trên tạp chí Nature Nature Encology & Evolution, các hài cốt hang Ilsenhöhle thuộc về hậu duệ của những con người đầu tiên - vẫn còn là Homo sapiens "thuần chủng" - vượt dãy Alps để khai phá miền đất mới, nơi con cháu họ gặp gỡ loài người cổ Neanderthals.

Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả đa quốc gia từ Đại học Pháp ở Paris, Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) và một số viện, trường khác.

Hiện trường khai quật hài cốt con người cổ đại ở hang Ilsenhöhle
Hiện trường khai quật hài cốt con người cổ đại ở hang Ilsenhöhle - (Ảnh: NATURE).

Neanderthals là loài cùng chi Homo (chi Người) với Homo sapiens chúng ta, đã biến mất khỏi châu Âu khoảng 40.000 năm trước.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có những cuộc hôn nhân dị chủng đã phát sinh giữa hai loài, khiến hầu hết chúng ta ngày nay là những con người lai.

Một phần lớn dân số ngày nay có khoảng 2% DNA của người Neanderthals trong cơ thể, chưa kể một phần nhỏ DNA của các loài người khác nữa.

Để điều đó xảy ra, người Homo sapiens và Neanderthals cần gặp gỡ, sống chung với nhau một giai đoạn trước khi lịch sử tiến hóa khắc nghiệt xóa sổ những người anh em khác loài này.

Giả thuyết cho rằng các cuộc gặp gỡ xảy ra sau khi người Homo sapiens vượt dãy Alps khoảng 45.000 năm trước. Trong đó, nhiều nhóm người riêng biệt với nhiều nền văn hóa độc đáo đã phát tán rộng rãi trong khắp châu Âu ngày nay.

Nhóm có hài cốt được tìm thấy trong hang động Ilsenhöhle thuộc về các bộ lạc chiếm đóng miền Đông và miền Trung nước Đức, gần làng Rains của bang Thuringia ngày nay.

Nền văn hóa chế tạo công cụ của họ cũng là nền văn hóa từng chiếm ưu thế ở một số vùng châu Âu thời đại đồ đá cũ, liên quan đến cả hai loài Homo sapiens và Neanderthals, cũng là bằng chứng cho thấy hai loài này có sự giao lưu mật thiết với nhau.

Các bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy tổ tiên trực tiếp của chúng ta đã xây dựng một khu định cư chặt chẽ, đủ để họ chống lại thời tiết lạnh lẽo trong thời kỳ này, một lợi thế giúp họ tồn tại lâu dài trong khi người Neanderthals lại tuyệt chủng.

Những chiếc răng ngựa trong hang Ilsenhöhle cho thấy họ thậm chí đã nuôi ngựa trong hang cùng với mình trong những thời kỳ lạnh giá, đóng băng sâu đã được ghi lại trong trầm tích.

So với các nhóm khác, nhóm người này ít lai với Neanderthals hơn, có lẽ thời tiết khắc nghiệt và cạnh tranh sinh tồn đã hạn chế cơ hội giao phối.

Nhưng chính điều đó giữ cho họ một bộ gene nguyên sơ hơn, giúp chúng ta hiểu rõ hơn đặc điểm di truyền của những con người đầu tiên vượt Alps, so sánh họ với những con người lai rõ rệt được tìm thấy ở một số vùng khác, từ đó hoàn thiện bức tranh tiến hóa phức tạp của con người.

Cập nhật: 02/02/2024 NLĐ
  • 169