Hai khoang rỗng chưa thể lý giải trong Đại kim tự tháp Ai Cập

  •   3,52
  • 11.960

Sử dụng công nghệ quét hiện đại, các nhà nghiên cứu phát hiện hai khoang rỗng bí ẩn trong lòng Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập.

Nhóm nhà nghiên cứu ở Khoa kỹ thuật thuộc Đại học Cairo, Ai Cập kết hợp với tổ chức phi nhuận Viện Di sản, Thành tựu và Bảo tồn (HIP) xác nhận Đại kim tự tháp Giza 4.500 năm tuổi chứa hai khoang rỗng chưa từng được biết đến trước đây, có thể ẩn chứa kết cấu giống hành lang và nhiều đặc điểm bí ẩn khác, Seeker hôm 16/10 đưa tin.

Các nhà nghiên cứu trong dự án Quét kim tự tháp (ScanPyramids) công bố phát hiện sau một năm sử dụng nhiều kỹ thuật quét với những kim tự tháp xây từ thời Vương quốc cổ (năm 2686 - 2181 trước Công nguyên).

Dưới sự giám sát của Bộ Cổ vật Ai Cập, nhóm dự án sử dụng ba công nghệ tiên tiến gồm chiếu hạt sơ cấp muon, đo nhiệt và mô phỏng 3D để tìm hiểu sâu hơn về Đại kim tự tháp Giza. Họ tìm thấy một khoang rỗng cao khoảng 105 m ở rìa phía đông bắc của công trình và khoang rỗng khác nằm sau mặt quay về hướng bắc, ở phần bên trên cửa vào.

"Khoang rỗng có hình dáng giống một hành lang và có thể dẫn lên cao trong kim tự tháp", Mehdi Tayoubi, người sáng lập viện HIP, cho biết. Theo Tayoubi, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra mối liên hệ giữa hai khoang rỗng.

Đồ họa mô phỏng khoang rỗng bên trong Đại kim tự tháp Giza.
Đồ họa mô phỏng khoang rỗng bên trong Đại kim tự tháp Giza. (Ảnh: Đại học Cairo).

Được xây cho pharaoh Cheops hay còn gọi là Khufu, Đại kim tự tháp là công trình lớn nhất trong số ba kim tự tháp trên cao nguyên Giza, ngoại ô thủ đô Cairo. Đây cũng là kỳ quan cuối cùng còn lưu lại từ thế giới cổ đại.

Tháng 11/2015, chuyên gia hồng ngoại người Pháp Jean-Claude Barré phát hiện một vết nhiệt kỳ lạ ở mặt quay về hướng bắc của công trình, ngay tại nơi 4 thanh kèo treo theo hình chữ V lộn ngược bên trên hành lang dốc xuống. Khi kim tự tháp ra đời cách đây khoảng 4.500 năm, những thanh kèo này rất khó phát hiện bởi chúng ẩn sau các phiến đá ốp.

Trong quá trình xây kim tự tháp, thanh kèo không phục vụ mục đích trang trí mà để bảo vệ một khoang rỗng và ngăn trần khoang sụp đổ. Nhóm nghiên cứu chưa tìm ra lý do người cổ đại sử dụng nhiều thanh kèo cùng lúc để bảo vệ một khu vực nhỏ ở đầu hành lang dốc xuống.

Sau khi lập bản đồ khu vực bằng mô hình 3D, họ quyết định lắp ba tấm nhôm ở cuối hành lang dốc xuống để thu các hạt vũ trụ muon. Công nghệ này dựa vào những hạt muon liên tục dội xuống bề mặt Trái Đất. Chúng phát ra từ tầng bên trên của khí quyển Trái Đất, sinh ra do va chạm giữa những tia vũ trụ trong môi trường thiên hà và hạt nhân nguyên tử trong khí quyển.

Tayoubi và đồng nghiệp đặt các thiết bị dò rất nhạy trước hạt muon, gọi là tấm nhũ tương, bên trong kim tự tháp để phân biệt những khu vực có mật độ hạt dày đặc và thưa thớt thuộc kim tự tháp. Khi phân tích phim chụp từ thiết bị dò ở Đại học Nagoya, Nhật Bản, họ nhận thấy lượng hạt muon đặc biệt nhiều dọc theo một hướng, chỉ ra khoang rỗng giống như hành lang.

"Hình dáng, kích thước và vị trí chính xác của khoang rỗng này đang được nghiên cứu kỹ hơn", nhóm nghiên cứu cho biết. Họ đã đặt thêm 12 tấm nhũ tương mới trong hành lang dốc xuống và sẽ thu thập dữ liệu vào cuối tháng 10, theo Tayoubi.

Kết quả phát hiện được trình lên hội đồng khoa học do cựu bộ trưởng Bộ Cổ vật Zahi Hawass. Zahi Hawass, cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi xác nhận sự tồn tại của khoang rỗng hoặc căn phòng bí mật. Hội đồng đã thông qua đề xuất để dự án ScanPyramids kéo dài thêm một năm nữa.

Cập nhật: 18/10/2016 Theo VnExpress
  • 3,52
  • 11.960