Một mẫu hóa thạch mới được phát hiện ở New Mexico đã giúp các nhà khoa học có thêm hiểu biết về những loài động vật có vú xuất hiện sau khi khủng long tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm.
"Loài động vật có vú được đặt tên là Kimbetopsalis simmonsae có vẻ ngoài giống một phiên bản tiền sử của hải ly. Chúng dài khoảng nửa mét, nặng từ 10-40kg, và có răng cửa lớn nhô ra từ mõm để nhai cành lá", Stephen Brusatte, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.
(Nguồn: sputniknews).
Sinh vật giống hải ly này là thành viên có kích thước lớn nhất của một nhóm động vật có vú đã tuyệt chủng có tên gọi là multituberculates, xuất hiện cùng thời với khủng long và sống sót sau biến cố 65 triệu năm trước.
Tuy nhiên, Kimbetopsalis cũng đã bị tuyệt chủng cách đây 35 triệu năm khi bị những loài gặm nhấm hiện đại thông minh và tiến hóa nhanh hơn vượt mặt.
Hóa thạch của loài Kimbetopsalis được tìm thấy ở New Mexico, và các nhà khoa học tin rằng chúng là một trong số những loài sinh vật đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn ngay sau vụ va chạm của thiên thạch khiến khủng long bị tuyệt diệt.
Răng của loài Kimbetopsalis simmonsae. (Nguồn: sputniknews).
Theo các nhà khoa học, Kimbetopsalis là loài ăn thực vật. Những chiếc răng hàm khỏe giúp chúng ăn các loại cây cỏ dễ dàng.
"Kimbetopsalis là bằng chứng cho thấy lịch sử sự sống có những giai đoạn bản lề có khả năng tái khởi động lại quá trình tiến hóa. Những loài động vật có vú đã phát triển thịnh vượng trong thế giới mới, đạt được thành công về tiến hóa đầu tiên cũng như đặt nền móng cho cả một kỷ nguyên mới, nơi chúng chứ không phải khủng long là loài thống trị. Sự bùng nổ tiến hóa này đã sinh ra những loài linh trưởng, và cuối cùng sinh ra chúng ta", Brusatte viết trong nghiên cứu.