Khả năng chăn cừu của những chú khuyển nhiều năm qua đã luôn là một bí ẩn chưa có lời giải, khi chỉ một người chăn cừu và một chú chó có thể tập hợp một đàn cừu hơn 100 chú cừu không hề dễ bảo. Trong khi hầu hết những người chăn cừu cho rằng đó là bản năng của những chú khuyển, các nhà khoa học đã tìm ra hai quy tắc đơn giản để giải thích khả năng "kỳ diệu" này.
Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí khoa học Royal Society Interface của Anh ngày 27/8, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Swansea (Anh) đã sử dụng dữ liệu từ Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nhằm lý giải những bí mật mang tính toán học về cách thức chó chăn cừu thực hiện công việc của chúng.
Thiết bị GPS được gắn vào bầy cừu để theo dõi chuyển động của chúng.
Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một số thiết bị theo dõi được trang bị công nghệ GPS có độ chính xác cao. Những thiết bị này được gắn với bầy cừu và chó chăn cừu.
Thật bất ngờ, điều khó hiểu trên chỉ được giải thích bằng hai quy tắc đơn giản. Quy tắc thứ nhất: Chó chăn cừu học cách gom các chú cừu lại gần nhau trong một bầy cừu. Quy tắc thứ hai: Khi đàn cừu trở thành một nhóm ngay hàng thẳng lối, chú chó chăn cừu lại bắt đàn cừu tiến về phía trước.
Tiến sĩ Andrew King, đứng đầu nghiên cứu, cho hay ông và đồng sự đã có những ý tưởng khác nhau khi bắt đầu nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia dần nhận ra rằng cần phải đặt mình vào vị trí của những chú chó chăn cừu.
Cụ thể là khi chú chó nhìn thấy những cá thể có lông màu trắng, nếu có khoảng trống giữa những cá thể này, hoặc khi khoảng trống trở nên lớn hơn, các chú chó cần kết nối những cá thể này lại với nhau.
Bất cứ khi nào những chú cừu không tập hợp ngay hàng thẳng lối, các chú chó chăn cừu sẽ gom chúng lại với nhau trước khi điều khiến bầy cừu tiến về phía trước.
Theo ông Andrew King, các chú chó chăn cừu đã thực hiện tốt “lý thuyết bầy cừu ích kỷ” để gom các con cừu lại gần nhau và di chuyển chúng tới nơi mình muốn.
“Một trong những việc mà một chú cừu thực sự làm tốt là phản ứng với mối đe dọa bằng cách kết nối với những chú cừu khác trong bầy. Đó là lý thuyết bầy cừu ích kỷ: Đặt một cái gì đó giữa mối đe dọa và bản thân bạn. Để có thể giảm đến mức tối thiểu nguy cơ bất kỳ điều gì xảy ra với mình, các cá thể cừu sẽ cố gắng di chuyển về phía trung tâm của nhóm”, ông Andrew nói.
Các nhà khoa học kỳ vọng kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để phát triển mô hình “người máy chăn cừu”, nhằm kiểm soát đám đông hay cũng phát huy tác dụng đối với môi trường, như dọn sạch dầu tràn trên bề mặt nước.