Hàng ngàn "cánh diều" khổng lồ 9000 năm tuổi rải rác khắp Trung Đông

  •  
  • 2.386

Vào cuối năm 2017, có khoảng 400 kiến ​​trúc bằng đá trải dài, một số có kích thước bằng vài sân bóng đá, đã được phát hiện ở khu vực không sinh vật sống tại Ả Rập Saudi. Nơi đây có tên Harrat Khaybar, một trong các khu vực đồng núi lửa nằm rải rác trên Bán đảo Ả Rập.

Việc xác định những kiến trúc gọi là "những cánh cổng" này, một số trong số đó có thể lên đến 9.000 năm tuổi, đã tạo ra sự phủ sóng lớn trên truyền thông. Theo tờ New York Times: "Google Earth đã mở khóa cánh cổng cho những bí ẩn cổ xưa trên khắp thế giới"; với những cấu trúc được phát hiện gần đây, phần lớn được xác định qua hình ảnh vệ tinh, cho ta ví dụ mới nhất về sức mạnh của khảo cổ học từ trên cao.

Tuy nhiên, những cánh cổng này chỉ là một chương của một câu chuyện dài, liên quan đến động vật hoang dã, biến đổi khí hậu, núi lửa phun trào và một nhóm người chưa rõ danh tính. Michael Petraglia, giáo sư về tiền sử và tiến hoá của loài người tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck khẳng định "những cấu trúc như thế này xuất hiện trên khắp Trung Đông".

Đây là không phải là kiến trúc cổ xưa đáng chú ý duy nhất trong khu vực. Còn có những cấu trúc đá khổng lồ khác, có kích thước tương đương với các đường kẻ Nazca nổi tiếng ở dãy Andes, được gọi là "những cánh diều".

Khu vực Harrat Khaybar nhìn từ phi hành đoàn Expedition 16 trên Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 3 năm 2008.
Khu vực Harrat Khaybar nhìn từ phi hành đoàn Expedition 16 trên Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 3 năm 2008.

Từ các cuộc khảo sát trên không, hình ảnh vệ tinh và báo cáo của những nhà nghiên cứu trên mặt đất, chúng ta được biết rằng có hàng ngàn "cánh diều" trên khắp bán đảo Ả Rập, và thậm chí xa tận Kazakhstan và Uzbekistan. Theo thời gian, người ta dần khám phá ra nguồn gốc của ‘’những cánh diều’’ tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử của loài người cổ đại, nhưng vẫn còn ba câu hỏi lớn cần được giải đáp: Chúng được dùng để làm gì, niên đại chính xác là bao nhiêu năm và ai đã xây dựng chúng?

Mặc dù những công trình này đã từng được nhắc đến bởi những người vẫn sống trong khu vực, nhưng một trong những ghi chép chính thức đầu tiên được biết đến là của Trung úy Percy Maitland từ Không quân Hoàng gia Anh, người đã tình cờ nhìn thấy chúng vài năm sau khi kết thúc Thế Chiến I.

Đến những năm 1920, Anh và Pháp ký một thoả thuận chia phần Trung Đông. Trong giai đoạn này, lực lượng Không quân Hoàng Gia vẫn liên tục bay giữa Baghdad và Cairo để đo đạc, lập bản đồ khu vực và đưa thư.

Trong một báo cáo giám sát trên không từ năm 1927, Maitland mô tả khi nhìn thấy những bức tường đá: chúng xếp theo những hàng dài hoặc toả ra rải rác, vài chỗ có dạng hình tròn, cách khoảng 120 dặm về phía đông của Biển Chết trong các cánh đồng dung nham cũ. Người Bedu, một nhóm người Ả Rập du mục, đã gọi chúng là "Công trình của những người Cổ Đại".

Trung uý Maitland nói rằng "Những kiến trúc này rất phức tạp và khó hiểu". Theo ông người Ả Rập cho rằng chúng có từ thời kì tiền Hồi giáo và "mang dáng dấp của thời cổ đại". Không quân Hoàng Gia đã gọi kiến trúc này là "những cánh diều" vì khi nhìn từ trên cao, cấu trúc khổng lồ trông như những cánh diều.

Nhóm Globalkites làm việc tại một "cánh diều".
Nhóm Globalkites làm việc tại một "cánh diều".

Theo thời gian, các nhà khảo cổ học bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu các kiến trúc bí ẩn này. Rõ ràng là chúng có đủ hình dạng và kích cỡ, và thường được tìm thấy với các đồ tạo tác, hình ảnh gia súc được khắc trên đá đến các công cụ bằng đá. Trong số chúng có các ụ đá hình tháp, giống như nơi chôn cất người chết. Giáo sư Petraglia đã giải thích rằng cần rất nhiều thời gian và công sức để tạo nên những kiến trúc này, khẳng định "chúng có giá trị vô cùng to lớn" và những cánh diều này "mang đến cho bạn cảm giác chúng là công trình của một tập hợp người".

Rémy Crassard, một nhà khảo cổ học tại Trung tâm Khảo cổ học và Khoa học xã hội Pháp ở Kuwait, giải thích rằng vào những năm 1990, người ta ước tính chỉ tồn tại vài trăm "cánh diều". Bây giờ, chúng ta biết rằng con số đó đã lên đến 6.000, rải rác từ Ả Rập Saudi đến Bán đảo Sinai. Điều này không chỉ nhờ vào các cuộc khảo sát từ vệ tinh, mà cả các sáng kiến ​​như dự án Globalkites, với Crassard là người lãnh đạo, nghiên cứu các kiến trúc này bằng hình ảnh từ vệ tinh và tiếp cận thực địa.

Việc nghiên cứu cho thấy những công trình này tập trung dày đặc ở Syria và Jordan, khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ (là vùng đất có hình dạng giống lưỡi liềm,hiện nay gồm Iraq, Kuwait, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine, Cyprus, Ai Cập, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây Iran) đất đai ẩm ướt màu mỡ và thực vật dày đặc nơi mà nền nông nghiệp và văn minh sơ khởi của nhân loại phát triển rực rỡ. Mật độ của những cánh diều giảm dần khi vào Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, qua khu vực Trung Á, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu về sự thay đổi này.

Niên đại của những kiến trúc này vẫn còn là một bí ẩn, nhưng đã có những manh mối hứa hẹn nhờ vào hoạt động của núi lửa. Ông Károly Németh, phó giáo sư địa chất tại Đại học Massey của New Zealand, giải thích rằng các hoạt động địa chất tạo ra các vết nứt và thúc đẩy hoạt động của nhiều núi lửa tại khu vực Trung Đông, tạo ra nhiều cánh đồng dung nham, nơi xuất hiện những cánh diều.

Một "cánh diều" nhìn từ trên cao.
Một "cánh diều" nhìn từ trên cao.

Ngày nay, nhìn từ không gian, các cánh đồng dung nham giống như bề mặt Sao Hoả. Bề mặt lồi lõm với những ngọn đồi hình thành do núi lửa phun, chóp nón núi lửa, hồ dung nham và miệng núi lửa. Thành phần địa hóa học khác nhau đã làm cho các khu vực này nơi thì có màu đen và nơi khác thì gần như màu trắng.

Một số cánh đồng dung nham núi lửa có từ 30 triệu năm trước, rất lâu trước khi loài người xuất hiện lần đầu tiên. Ngược lại, ở khu vực Harrat Khaybar bí ẩn, dung nham vẫn chảy cho đến tận 1.000 năm trước. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người sống cùng với những vụ phun trào sau này, một số dòng dung nham được tìm thấy bên trên các công trình này. Điều đó chứng tỏ chúng ta có thể xác định được niên đại của một trong số chúng.

Chóp nón núi lửa và dòng dung nham.
Chóp nón núi lửa và dòng dung nham.

Dựa vào manh mối này, Crassard và các đồng nghiệp của ông đang tìm hiểu sâu hơn với hy vọng tìm ra niên đại chính xác. Họ đã đào xung quanh một trong một số miệng hố được tìm thấy trong những kiến trúc này và phát hiện ra rất nhiều xác động vật.

Sử dụng nhiều phương pháp xác định niên đại, họ phát hiện ra rằng một số "cánh diều" ở Jordan có từ thời kỳ đồ đá mới, có thể sớm nhất là 9.000 năm trước. Chúng có niên đại lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta mong đợi, Crassard giải thích. Ông nói thêm rằng "những cánh diều" càng xa khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ thì có niên đại thấp hơn.

Địa hình núi lửa bị bào mòn theo thời gian bởi gió và mưa.
Địa hình núi lửa bị bào mòn theo thời gian bởi gió và mưa.

Những gì còn sót lại trong hố có thể nói cho ta biết tác dụng của những cánh diều. Tại Ả Rập, nhóm Crassard đã tìm thấy hài cốt linh dương gazen, ở Armenia có hài cốt của lừa và dê; còn ở Kazakhstan và Uzbekistan họ đã tìm thấy hài cốt của linh dương saiga. Họ nghi ngờ rằng những công trình này đã được các thợ săn xây dựng để săn bắt nhốt bầy thú, và khi chúng bị mắc kẹt trong những cái hố đó, chúng không thể thoát ra được và bị giết chết.

Ý tưởng này đã được đưa ra trước đây bởi các nhà nghiên cứu khác, dựa trên các bằng chứng khảo cổ khác. Ví dụ, các kiến trúc này tại Jordan dường như được xây theo hướng nhằm ngăn cản sự di cư của động vật sang Syria. Ngoài ra, nhà thám hiểm John Burckhardt người chứng kiến một cuộc đi săn linh dương ở Syria đã viết trong một cuốn sách năm 1831; hàng trăm người thợ săn đuổi linh dương chạy vào trong các công trình này. Cũng có thể đây là nơi để nhốt gia súc giống như chúng ta nuôi chúng trong các trang trại ngày nay.

Tuy nhiên, giáo sư Petraglia cũng lưu ý rằng không phải tất cả các kiến trúc này có hình dạng giống nhau, một số có hình dáng giống như những cánh diều, như một số khác lại có hình dạng khá khác biệt. Crassard cũng có lưu ý tương tự, nhóm Globalkites của ông đã sử dụng các mô hình thống kê và toán học để lập biểu đồ những điểm giống và khác nhau của những công trình này. Thay đổi khí hậu có thể là nguyên nhân của sự khác nhau về hình dáng và kích thước của những công trình này.

Giáo sư Petraglia là thành viên của dự án Palaeodeserts, dự án nghiên cứu về sự thay đổi môi trường ở sa mạc Ả Rập trong một triệu năm. Ông giải thích rằng từ 10.000 đến 6.000 năm trước, con người sống trong thời kì đầu của thế Holocene, khu vực này đã từng có nhiều ốc đảo. Nó ẩm ướt hơn, là thời điểm được đánh dấu bởi lượng mưa nhiều hơn, nhiều hồ nước và theo giáo sư Petraglia là "có cả mạng lưới sông ngòi trên khắc Ả Rập". Thực vật xuất hiện khắp khu vực, nông nghiệp và chăn nuôi gia súc phát triển. "Đây là một môi trường giàu tài nguyên", ông nói thêm.

Mục đích xây dựng các công trình này có thể đã thay đổi theo thời gian khi con người phải thích nghi với môi trường thay đổi.
Mục đích xây dựng các công trình này có thể đã thay đổi theo thời gian khi con người phải thích nghi với môi trường thay đổi.

Hugo Murcia, một nhà địa chất tại Đại học Caldas ở Colombia, lưu ý rằng các mảnh vụn núi lửa bị bỏ lại ở đây cho thấy rõ ràng macma tương tác với nước. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy có những dòng sông từng chảy qua đây. Giá sư Petraglia nói thêm "Bạn có thể tưởng tượng những ngọn núi lửa này tươi đẹp như thế nào trong thời kì ẩm ướt, với những dòng sông và các loài động thực vật xung quanh chúng".

Đáng kể hơn, công trình khảo cổ trước đây đã tiết lộ rằng "những cánh diều" này có niên đại ít nhất là bằng thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn ẩm ướt này sang giai đoạn siêu khô cằn đương đại. Điều đó cũng cho thấy rằng mục đích xây dựng các công trình này có thể đã thay đổi theo thời gian khi con người phải thích nghi với môi trường thay đổi, nhưng hiện tại, nó rất khó để nói rõ hơn về nó.

Tuy nhiên, phát hiện này cũng không giúp chúng ta trong việc tìm ra ai là những người đầu tiên xây dựng những cánh diều. Chúng ta nghĩ rằng con người biến mất khi khu vực này bị sa mạc hoá – đây là một sai lầm lớn, Petraglia nhấn mạnh việc con người vẫn sinh sống tại sa mạc Ả Rập tuy nhiên danh tính của "Những Người Cổ Đại" mà Maitland từng đề cập vẫn còn là điều bí ẩn.

Các ống dung nham, hang động ngầm được hình thành bởi dòng dung nham, có mặt khắp khu vực và Petraglia gợi ý rằng có thể tìm thấy hài cốt của con người trong một trong số chúng. Những ngôi mộ tiềm năng này sẽ được Petraglia và các đồng nghiệp khai quật lần đầu tiên vào đầu năm 2019, có thể làm sáng tỏ những khoảng trống về khảo cổ học tại nơi đây.

Khi được hỏi những người nào có mặt cùng với "những cánh diều" có niên đại lâu đời nhất, Crassard cho rằng có lẽ họ là những người du mục, họ đã đến những vùng đất ngày càng khô cằn này khi con mồi của động vật di cư qua khu vực. Ngoài ra, những thợ săn cũng có thể đã sống ở đó. "Chúng tôi thật sự chưa có manh mối nào rõ ràng", ông nói thêm.

Các "cổng" có lẽ thậm chí còn xuất hiện trước "những cánh diều": Mặc dù chúng vẫn tách biệt với nhau, nhưng có ít nhất một trường hợp một cánh diều chồng khít lên cổng. Giống như "những cánh diều", các "cổng" được nhìn thấy rõ ràng từ không gian; ban đầu chúng được phát hiện bởi Đội Sa mạc, một nhóm các nhà khảo cổ nghiệp dư Saudi, thông qua hình ảnh vệ tinh.

Một "cánh diều" nhìn từ trên cao, ảnh được chụp từ một khinh khí cầu gắn camera
Một "cánh diều" nhìn từ trên cao, ảnh được chụp từ một khinh khí cầu gắn camera

Sau đó, công việc này được tiếp nối bởi David Kennedy, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Tây Úc, người đã viết trong bài báo tháng 11 năm 2017 rằng những cánh cổng này được tìm thấy trên các cánh đồng dung nham hoang vắng, không có con người và động thực vật sinh sống.

Huw Groucutt, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Khảo cổ học của Đại học Oxford,đã miêu tả các cổng là "rất thú vị và kỳ lạ". Ông nói rằng ông không thể thấy bất kỳ mục đích rõ ràng về mục đích xây dựng chúng, có thể chúng là nơi diễn ra các hoạt động nghi lễ của một số loại, nhưng cuối cùng ông ấy nói thêm "Không ai biết chúng dùng cho mục đích gì".

Cách duy nhất để nghiên cứu những cánh "cổng" và "diều" là tiến hành nghiên cứu thực địa và có hệ thống hơn toàn bộ chúng. "Khu vực này là một trong những địa điểm khảo cổ, núi lửa và văn hóa tuyệt vời nhất trên thế giới", Németh nói, "Nó vẫn chưa được được nghiên cứu nhiều".

Giáo sư Petraglia cho biết, có những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu về "những cánh diều" đã được thực hiện trong vài thập kỷ qua, nhưng so với hàng trăm nỗ lực nghiên cứu khảo cổ đang diễn ra ở Châu Âu mỗi ngày, thì các công tác thực hiện tại Ả Rập là chưa đáng kể. "Các phương tiện truyền thông có thể muốn gọi các cấu trúc này là điều bí ẩn, nhưng điều đó chỉ vì các nhà khảo cổ học đã chưa thực hiện công việc của họ", ông nói thêm.

Cập nhật: 22/04/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.386