Kính viễn vọng không gian Hubble chụp ảnh những ngôi sao rực rỡ nằm sát nhau trong cụm sao cầu NGC 1805 thuộc chòm Kiếm Ngư.
NASA hôm 11/9 đăng lên website ảnh chụp cụm sao cầu NGC 1805 của Hubble, kính viễn vọng không gian do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cùng vận hành. Nhóm gồm hàng nghìn ngôi sao chen chúc này nằm gần rìa Đám Mây Magellan Lớn, thiên hà cách Trái Đất khoảng 160.000 năm ánh sáng. Những ngôi sao trong cụm NGC 1805 nằm rất gần nhau, giống như đàn ong bu quanh tổ, NASA nhận xét.
Ảnh chụp cụm sao cầu NGC 1805 của kính Hubble. (Ảnh: NASA).
Tại trung tâm của cụm sao cầu, các ngôi sao có thể nằm gần nhau gấp 100 - 1.000 lần so với khoảng cách giữa Mặt Trời với những ngôi sao gần nhất. Điều này khiến xung quanh chúng không thể có hệ hành tinh.
Ảnh chụp NGC 1805 của Hubble kết hợp nhiều loại ánh sáng. Những ngôi sao xanh được quan sát dưới ánh sáng cận cực tím, trong khi với sao đỏ là ánh sáng đỏ và cận hồng ngoại. Các kính viễn vọng không gian như Hubble có thể quan sát trong ánh sáng cực tím vì chúng nằm phía trên khí quyển Trái Đất. Khí quyển hấp thụ phần lớn tia cực tím nên các trạm dưới mặt đất không làm được điều này.
NGC 1805 thuộc chòm sao Dorado (Kiếm Ngư). Các nhà khoa học có thể quan sát cụm sao cầu trẻ này từ Nam Bán cầu. Cụm sao cầu thường chứa những ngôi sao chào đời cùng thời điểm. Tuy nhiên, có vẻ NGC 1805 chứa hai nhóm sao với tuổi cách nhau hàng triệu năm. Việc quan sát những cụm sao như vậy có thể giúp giới khoa học hiểu thêm về quá trình sao tiến hóa cũng như các yếu tố quyết định xem đến cuối đời, chúng sẽ trở thành sao lùn trắng hay phát nổ với vụ nổ siêu tân tinh.