Ảnh vệ tinh Google Earth hé lộ sự tồn tại của 400 công trình đá hàng nghìn năm tuổi bao quanh miệng núi lửa khiến nhà khảo cổ bối rối.
Gần 400 công trình đá có niên đại hàng nghìn năm được phát hiện ở Arab Saudi. Một số trong những kết cấu giống bức tường này xếp dọc theo những vòm dung nham lâu đời, Live Science hôm 17/10 đưa tin.
Nhiều bức tường đá có hình dáng tương tự cổng vào cánh đồng khi nhìn từ trên cao nên được nhóm nghiên cứu gọi là "cổng". Chúng phân bố theo từng cụm ở khu vực Harrat Khaybar phía trung tây Arab Saudi. Các nhà khảo cổ không biết chắc chắn mục đích xây dựng cũng như niên đại chính xác của những cánh cổng. Được phát hiện chủ yếu qua ảnh vệ tinh, vài cánh cổng nằm ở bên sườn của vòm núi lửa từng phun trào dung nham từ đá bazan.
Một số dòng dung nham đã 5 triệu năm tuổi, nhưng niên đại của những cánh cổng đá còn vượt xa con số đó. (Ảnh: NASA).
Các cánh cổng xây bằng đá một cách thô sơ cùng những bức tường thấp. Đó dường như là những cấu trúc nhân tạo lâu đời nhất trong khung cảnh, theo David Kennedy, giáo sư ở Đại học Western Australia, tác giả nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Arabian Archaeology and Epigraphy số tháng 11.
Cánh cổng nhỏ nhất trải rộng 13m, trong khi công trình dài nhất là 518m. Vài cấu trúc bao gồm nhiều bức tường đá thiết kế theo hình chữ nhật. Một số khác gọi là cổng loại I chỉ có một bức tường đá với các chồng đá ở mỗi đầu.
"Các cánh cổng được tìm thấy gần như toàn bộ ở những cánh đồng dung nham hoang vắng không có sự sống, khan hiếm nước hoặc thực vật, những nơi dường như không chào đón con người", Kennedy viết. Những công trình đá khác hình con diều dùng để săn động vật và hình bánh xe cũng được phát hiện trên cánh đồng dung nham kiểu này.
Theo nhà núi lửa học Vic Camp, vòm dung nham không còn hoạt động nữa, và trong quá khứ, dung nham từ đá bazan đã bao phủ một số công trình đá, bao gồm những cánh cổng. Một trong những công trình đá bị dung nham cứng che phủ một phần theo ảnh chụp. Camp ước tinh các cánh cổng quanh vòm dung nham được xây cách đây khoảng 7.000 năm.
Nhóm khảo cổ sẽ cần nghiên cứu thực địa để xác định những cánh cổng thực chất là gì và chúng ra đời chính xác vào khi nào.