Hành trình chống chọi ung thư của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

  •   52
  • 2.431

Một buổi sáng trong chuyến công tác Nam Phi năm 1992, ông Lý Quang Diệu nhận tin dữ rằng con trai là Lý Hiển Long mắc bệnh ung thư.

Ngày đó, ông Lý Quang Diệu là Bộ trưởng Cao cấp Singapore còn ông Lý Hiển Long đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp. "Long nói với tôi kết quả sinh thiết cho thấy nó bị ung thư hạch bạch huyết (lymphoma). Đó là lần đầu tiên chúng tôi nghe đến căn bệnh này", ông Diệu kể lại với tờ Straits Times năm 1993. "Cả hai chúng tôi đều sốc".

3 tuần trước chuyến công tác đến Nam Phi của cha, Lý Hiển Long bị ra máu rồi phát hiện có 3 polyp nhỏ trong trực tràng. Ban đầu các bác sĩ cho rằng 3 khối polyp lành tính và có thể phẫu thuật sau, cuối cùng đó lại là ung thư hạch ác tính.

Nghe tin dữ, gia đình nhà họ Lý không khỏi bàng hoàng. Trong khi vợ lo lắng không yên về tình hình con trai, ông Diệu với kinh nghiệm dày dặn khuyên Hiển Long bình tĩnh và đi làm mọi xét nghiệm cần thiết. Chuyến công du chưa kết thúc, người cha không thể bỏ về Singapore. "Tôi không phải bác sĩ. Tôi có thể làm được gì nếu quay lại Singapore cùng với vợ? An ủi nó ư, liệu điều đó tạo được sự khác biệt không? Có lẽ chỉ một chút về tâm lý song về bản chất thì không", ông Diệu giải thích. Ở xa, ông chỉ tranh thủ gọi điện về Singapore cho con vào tối muộn hoặc sáng sớm. "Bạn bị đè nặng về tâm lý nên không thể ăn ngon hay tận hưởng chuyến đi. Nhưng bạn phải hoàn thành công việc. Đó là cuộc sống", ông thành thật.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Hiển Long cập nhật tình hình cho bố mẹ hàng ngày. May mắn, ung thư chưa lan sang các vùng cơ thể khác ngoài trực tràng. Theo lời khuyên của em gái là Lý Vĩnh Linh 38 tuổi đang nghiên cứu bệnh động kinh tại Bệnh viện Nhi Toronto (Canada), Lý Hiển Long đến Mỹ khám bệnh.

Bất chấp tình trạng sức khỏe, phó thủ tướng khi ấy của Singapore vẫn giữ vẻ điềm đạm. Ngay trước đợt sang Mỹ, ông dẫn một phái đoàn đi Nhật xúc tiến đầu tư. Ngày cuối ở xứ sở mặt trời mọc, Lý Hiển Long mời các phóng viên dùng bữa sáng. "Ông ấy ăn rất ngon miệng", Kwan Weng Kin, phóng viên thường trú Tokyo của tờ Straits Times hồi tưởng. "Tôi tự hỏi về lý do của chuyến đi Mỹ. Không ai biết ông ấy sang Mỹ chữa bệnh". Tại Mỹ, Lý Hiển Long được giáo sư Saul Rosenburg và giáo sư Fernando Cabanillas, hai chuyên gia hàng đầu về lymphoma tư vấn.

Giữa tháng 11/1992, Lý Hiển Long từ Mỹ trở về. Ông sụt ký, trông vô cùng hốc hác và mệt mỏi. Ngày 16/11, Thủ tướng Singapore đương thời là Ngô Tác Đống thông báo với toàn dân hai phó thủ tướng Lý Hiển Long và Ong Teng Cheong mắc bệnh ung thư. Đây chẳng khác nào thảm họa quốc gia. Lý Hiển Long không chỉ đơn giản là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp mà đóng vai trò then chốt trong bộ máy lãnh đạo. Đặc biệt, ông được kỳ vọng là người kế nhiệm Thủ tướng Ngô.

Sau thông báo động trời, chính phủ điều chỉnh nhân sự hỗ trợ Lý Hiển Long để ông bắt đầu 6 đợt hóa trị kéo dài 18 tuần. Mỗi ngày, ông Long phải đến Bệnh viện Đa khoa Singapore để tiêm hóa chất thông qua các ống được gắn vào ngực. Tắm rửa trở nên khó khăn bởi ông phải giữ cho băng gạc không bị ướt. Ăn uống cũng chẳng còn thú vị khi hóa trị khiến ông mất vị giác. Tuy vậy, ông Long không nôn mửa như hầu hết bệnh nhân hóa trị khác.

Quá trình chữa bệnh khiến sức đề kháng của cơ thể giảm, ông Long buộc phải tránh xa đám đông. Trong 18 tuần, ông xuất hiện trước công chúng chưa đầy 6 lần và không tham gia các cuộc họp nội các.

Nhờ hóa trị, ông Long dần khỏe lên. Bên cạnh đó, nhận ra ý chí là điều vô cùng quan trọng, ông giữ tinh thần thoải mái và tập thiền. Ông Lý Quang Diệu chia sẻ con trai ông không hề bị suy sụp bởi "nếu không có sức mạnh để vượt qua, mọi thứ sẽ chấm hết".

Tháng 4/1993, bệnh tình của ông Long được cho là đã thuyên giảm. Các bác sĩ đánh giá cơ hội khỏi ung thư hoàn toàn của Lý Hiển Long là 8/10, có nghĩa ông vẫn phải đối mặt với 20% nguy cơ tái phát. Ngày 11/4/1993, Thủ tướng Ngô Tác Đống tuyên bố Phó Thủ tướng Lý Hiển Long đã quay lại làm việc.

Tháng 1 năm 2015, ở tuổi 63, Lý Hiển Long một lần nữa bị ung thư. Ông mắc ung thư tuyến tiền liệt song không liên quan đến u hạch bạch huyết trước đây. Ngày 15/2/2015, ông Long khi ấy đã là Thủ tướng Singapore trải qua ca phẫu thuật với sự trợ giúp của robot và được dự đoán sẽ hồi phục hoàn toàn. Dữ liệu từ Trung tâm Ung thư Memorial Sloan cho thấy bệnh nhân với hồ sơ y tế và phương pháp điều trị tương tự có 99% khả năng sống sót trong vòng 15 năm.

Ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long ngất xỉu giữa một buổi truyền hình trực tiếp. Văn phòng thủ tướng khẳng định ông mệt mỏi do đứng quá lâu, nóng và mất nước. "Tim ông ấy ổn định và không hề bị đột quỵ", văn phòng thủ tướng thông báo.

Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ ảnh trên giường bệnh trước ca mổ năm 2015.
Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ ảnh trên giường bệnh trước ca mổ năm 2015. (Ảnh: Straitstimes).

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu phong cách làm việc quá cầu toàn của ông Lý Hiển Long có phải nguyên nhân gây ung thư. Bác sĩ Peng Tiam từ Bệnh viện Đa khoa Singapore cho rằng chưa bằng chứng khoa học nào chứng minh căng thẳng dẫn tới ung thư, còn giáo sư Sun Yan từ Viện Ung thư Bắc Kinh (Trung Quốc) lại nghĩ khác. Theo giáo sư Sun Yan, trong Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, rất nhiều lãnh đạo cùng vợ đã bị ung thư. Họ đều có cùng điểm chung là bị stress cấp tính. Giáo sư Sun khuyến cáo ông Long ngừng công tác và bổ sung 2 loại thảo dược nhằm tăng cường khả năng miễn dịch. Ông Long thẳng thắn từ chối.

Bản thân ông Lý Hiển Long không tin stress liên quan với ung thư cho đến ngày nhận được lá thư của một luật sư từ Kuala Lumpur (Malaysia) cũng bị ung thư hạch bạch huyết. Trong thư, luật sư này viết rằng bác sĩ nói anh có thể làm việc bình thường nhưng càng làm anh càng mệt mỏi. Sau khi quyết định nghỉ việc, sức khỏe vị luật sư cải thiện rõ rệt.

Ông Lý Quang Diệu thì nhận định thói quen ngủ 8 tiếng mỗi ngày đã vô tình ảnh hưởng tới khả năng chịu đựng của Lý Hiển Long. Công việc áp lực khiến cả hai cha con thiếu thời gian nghỉ ngơi, trong khi đó ông Long rất dễ mệt mỏi nếu không được ngủ tròn giấc. Tuy vậy, vị thủ tướng đầu tiên của Singapore vẫn tin tưởng vào khả năng của con trai như từng nói lúc sinh thời: "Nếu Singapore tìm thấy một người đàn ông chưa bao giờ bị ung thư, không bao giờ bị tái phát và vượt trội hơn Long, người đó nên được chọn. Còn nếu không tìm được, bạn phải dùng cái tốt nhất có thể thôi".

Cập nhật: 23/08/2016 Theo VnExpress
  • 52
  • 2.431