Một phép đo mới đã được các nhà khoa học phát hiện ra, và nó giải quyết được những nhược điểm của phép đo BMI cũ.
Khi đến phòng khám, lúc bạn bước xuống khỏi chiếc cân, có lẽ các bác sĩ sẽ chỉ ngay cho bạn một biểu đồ đầy màu sắc về chỉ số khối cơ thể của bạn, hay được gọi đơn giản hơn là BMI.
Phương pháp này đo lường chất béo của cơ thể dựa trên trọng lượng của bạn trong mối tương quan với chiều cao.
Chỉ số BMI đã được tìm thấy từ những năm 1830. Nhưng mặc dù phổ biến, hiện tại BMI được cho là thước đo tương đối thô thiển. Rất may, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một giải pháp thay thế. Phép đo mới này giải quyết được vấn đề lớn nhất của BMI.
Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Mayo Clinic, bang Minesota (Hoa Kỳ) đã công bố một phương pháp đo mới gọi là Body Volume Indicator (BVI). Đây là công cụ mới giúp tính toán được sự tăng trưởng của cơ thể mỗi người.
Về cơ bản, việc đo lường được sử dụng ở đây là thiết lập một tỷ lệ so sánh tổng thể giữa khối lượng cơ thể với khối lượng mỡ bụng của bạn. Phép đo này có thể thực hiện được bằng tay hay nhờ vào ứng dụng điện thoại.
Đo sức khỏe bằng Body Volume Indicator (BVI).
Ông Jose Medina Inojosa - nhà nghiên cứu tim mạch dự phòng tại Mayo Clinic, phát biểu trên Business Insider: Mặc dù nghe có vẻ kỳ quặc nhưng vòng eo của chúng ta lại có thể nói lên nhiều điều về sức khỏe. Nó được xem là một trong những bộ phận quan trọng nhất phản ánh lối sống của mỗi người.
Một số nghiên cứu đã ghi nhận mối liên quan giữa lượng chất béo ở bụng và nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2.
Trong một nghiên cứu có quy mô lớn vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của hơn 340.000 người châu Âu và phát hiện ra rằng, những người thừa cân và có vòng eo rộng từ 34,5 inch (87,63cm) trở lên đối với phụ nữ và 40 inch (101,6cm) trở lên đối với nam giới thì cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 giống như những những người bị béo phì lâm sàng.
Một trong những nhược điểm lớn nhất của chỉ số BMI là thực tế nó không tính đến lượng chất béo tồn đọng trên bụng của mỗi người. Tất cả các phép đo của nó chỉ xoay quanh chiều cao và cân nặng. Đó là lý do tại sao những người gầy nhưng có nhiều cơ bắp có thể có chỉ số BMI được xem là "thừa cân". Vì vậy, BVI là một bước tiến quan trọng để giải quyết những vấn đề này, góp phần làm cho các phép đo được chính xác hơn, Medina Inojosa nói.
Tuy nhiên cho đến giờ, các nhà khoa học vẫn không chắc về việc tại sao lượng mỡ dư thừa ở phần giữa mỗi người lại dẫn đến những kết cục tiêu cực về sức khỏe. Các nhà nghiên cứu nghĩ điều này liên quan đến chất béo trong cơ thể, được gọi là chất béo nội tạng. Nó có khả năng cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nội tạng của chúng ta.
Các chuyên gia y tế cộng đồng từ nhiều năm nay đã nói rằng BMI không phải là một công cụ hoàn hảo để đo đếm sự cân đối của cơ thể. Và họ muốn có một thước đo chính xác hơn, tốt hơn là nó nên được cải thiện với việc thêm vào chu vi của vòng eo.
Chỉ số BMI đã không còn chính xác. (Ảnh: Shutterstock).
"Đối với sức khỏe, vấn đề không phải là bạn cân nặng bao nhiêu mà là bạn có bao nhiêu mỡ bụng", những sinh viên thuộc trường Y Harvard viết trên blog Sống Khỏe (Staying Healthy) vào năm 2005.
Những nhà nghiên cứu tạo ra chỉ số BVI cũng đã hợp tác với công ty công nghệ về hình ảnh con người - Select Research, để tạo ra một ứng dụng tương ứng dùng để so sánh hình ảnh của một người chụp từ góc nghiêng với hình ảnh chụp thẳng. Tất cả hình ảnh này để phục vụ việc ước tính tỷ lệ BVI.
Medina Inojosa cho biết: "Bằng cách đo trọng lượng và chất béo trong cơ thể, BVI cung cấp một công cụ chẩn đoán mới đầy tiềm năng".
BMI (Body Mass Index) chính là chỉ số cơ thể được các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị béo phì, thừa cân hay quá gầy hay không. Thông thường, người ta dùng để tính toán mức độ béo phì. Nhược điểm duy nhất của chỉ số BMI là nó không thể tính được lượng chất béo trong cơ thể - yếu tố tiềm ẩn các nguy cơ liên quan đến sức khỏe trong tương lai. |