Hình ảnh đầu tiên do Viện vật lý ngoài Trái đất Max Planck (MPE) phát hành tại Garched, Đức, đã kết hợp các hình ảnh tia X của một thiên hà lân cận, đám mây Magellan lớn cùng với một cụm các thiên hà tương tác ở khoảng cách khoảng 800 triệu năm ánh sáng.
“Những hình ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng của chúng tôi cho thấy vẻ đẹp thực sự của dải thiên hà bí ẩn”, Peter Predehl nhà nghiên cứu chính của eROSITA cho biết. “Để đáp ứng các mục tiêu khoa học, chúng tôi cần đủ độ nhạy để phát hiện các cụm thiên hà xa nhất trong vũ trụ và phân tích chúng theo chiều không gian. Những hình ảnh ánh sáng này cho thấy chúng ta có thể làm được điều đó, và thậm chí còn có thể tiến xa hơn nhiều".
Hình ảnh eROSITA cho thấy đám mây Magellan lớn, thiên hà gần với chúng ta.
Theo các nhà khoa học, một hình ảnh vệ tinh khác của hệ thống các cụm thiên hà A3391/3395 cho thấy quá trình hình thành cấu trúc khổng lồ trong vũ trụ. Các cụm trông giống như các đám mây lớn trong ảnh, thực sự trải dài hàng chục triệu năm ánh sáng và mỗi cụm chứa hàng ngàn thiên hà.
Cụm thiên hà A3391/3395.
“Tia X cho chúng ta một cái nhìn độc đáo về vũ trụ ẩn trong vùng ánh sáng khả kiến”, ông Kirpal Nandra giám đốc vật lý thiên văn tại MPE cho biết. “Khi nhìn vào một ngôi sao bình thường trong tia X, chúng ta có thể thấy một ngôi sao lùn trắng hoặc sao neutron trong quá trình nuốt chửng các thiên thể quay quanh nó. Ánh sáng nhìn thấy cho biết cấu trúc của một thiên hà được theo dõi bởi các ngôi sao của nó, nhưng các tia X bị chi phối bởi các lỗ đen lớn phát triển tại trung tâm của chúng".
Nandra tiếp tục: "Và nơi chúng ta nhìn thấy các cụm thiên hà bằng kính viễn vọng quang học, tia X cũng phát hiện các bể chứa khí khổng lồ lấp đầy không gian giữa chúng và cấu trúc vật chất của vũ trụ. Với hiệu suất của nó, giờ đây chúng ta đã biết rằng eROSITA sẽ dẫn đến một bước đột phá trong hiểu biết của chúng ta về sự vận động của vũ trụ tràn đầy năng lượng".