Là người tạo ra hệ thống tên miền DNS, được hàng triệu người sử dụng hàng tỷ lần mỗi ngày, tiến sỹ Paul Mockapetris lại tỏ ra không mấy tin tưởng vào khả năng "trường thọ" cho "đứa con" của ông.
Ban đầu, Mockapetris dự kiến DNS sẽ hỗ trợ cho khoảng 50 triệu địa chỉ Internet. Nhưng con số này đã mở rộng tới mức không thể thống kê chính xác được. Một khảo sát trong tháng 1/2006 cho thấy Internet hiện có ít nhất 394 triệu tên miền.
Thành công vượt mức mong đợi này cũng không đủ để thuyết phục Mockapetris rằng cơ chế đặt tên trên Internet sẽ có một tương lai ổn định: "Nếu muốn có sản phẩm sống mãi với thời gian, bạn nên theo đuổi lĩnh vực âm nhạc hoặc nghệ thuật".
Theo Mockapetris, về phương diện nào đó, DNS đang bắt đầu đóng vai trò "giấu mặt" với người sử dụng Internet. Nhiều chương trình e-mail phổ biến chỉ hiện tên riêng, nick hoặc địa chỉ vắn tắt, do đó người nhận hiếm khi đọc được địa chỉ đầy đủ chứa cả domain quản lý tài khoản e-mail này.
Tương tự, nhiều người không cần gõ đầy đủ tên miền mà truy cập vào những công cụ tìm kiếm như Google, gõ từ khóa và bấm vào đường kết nối để định hướng tới một site nào đó. "Công nghệ DNS vẫn đang hoạt động nhưng ngày càng ít người tiếp cận nó một cách trực tiếp", Mockapetris nhận xét.
Một số kế hoạch thay đổi cơ chế vận hành tên miền Internet đang được tiến hành như kết hợp số điện thoại trên toàn thế giới với địa chỉ e-mail trong cùng một hệ thống có tên ENum, hay còn gọi là giao thức E.164, để giúp mọi người liên hệ với nhau dễ dàng hơn.
Mockapetris hiện là chủ tịch Nominum (Mỹ) - công ty chịu trách nhiệm hợp nhất cơ sở dữ liệu khổng lồ của các hãng điện thoại và cáp với dịch vụ mạng.