Các nhà nghiên cứu của hai thành phố Munster và Hamburg tại Đức vừa tạo ra một phần mềm có khả năng phân tích mẫu "thử máu" và các "vệt máu thử nghiệm, lấy từ các vết thương" để nhận biết những tính chất đề kháng của các mầm bệnh. Hệ thống này nhận biết nhanh hơn về xuất xứ của các mầm bệnh và sự lây lan trong bệnh viện.
|
GS-BS Dag Harmsen (phải) trong phòng thí nghiệm |
Theo các nhà nghiên cứu, những mầm bệnh có sức đề kháng với thuốc kháng sinh, ví dụ như vi trùng "
Stahylococus aureus (MRSA)", rất nguy hiểm vì có khả năng truyền sức đề kháng cho những vi khuẩn khác, là những mầm gây ra các bệnh sưng phổi, nhiễm trùng vết thương, nhiễm độc máu...
Giáo sư - bác sĩ (GS-BS) Dag Harmsen, chuyên gia về vi trùng học, nhấn mạnh rằng: Hệ thống báo động này không nhằm mục đích để chứng minh sự có mặt của các mầm gây bệnh, mà nhằm nhận biết nhanh chóng về hiểm họa lây lan cho các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện. Ngoài sự phân tích các mầm bệnh, phần mềm này cho biết những dữ liệu liên quan đến những trường hợp đã từng xảy ra.
Nhờ sự nhận biết sớm và chính xác tình trạng các mầm bệnh đang đe dọa, người ta có thể tránh được trường hợp phải đóng cửa toàn bộ bệnh viện.
Hơn nữa, nếu phần mềm nhận biết đây là các mầm bệnh nguy hiểm vẫn thường xảy ra và có thể bùng nổ lây lan khắp bệnh viện, các chuyên gia sẽ nhận được dấu hiệu "báo động" để có thể ứng phó kịp thời.
Tại Đức trong những năm vừa qua, số lượng các mầm gây bệnh trong các bệnh viện, có khả năng đề kháng với thuốc kháng sinh, đã tăng từ 3% lên 25%. Trong khi đó tại những quốc gia Bắc Âu và Hà Lan, nhờ những điều kiện vệ sinh rất hoàn hảo và nhờ phân loại được các mầm bệnh gây bệnh nguy hiểm nên tỷ lệ này vẫn giữ được ở mức 3%.