Hệ thống xây nhà xếp chồng từng khối như lego

  •  
  • 260

Hệ thống gồm nhiều khối nhà, mỗi khối có hình dạng giống container vận chuyển và đóng vai trò là một phòng đơn trong tòa nhà lớn.

Việc xây toàn bộ tòa nhà tại công trường có thể tốn nhiều thời gian và chi phí. Do đó, nhiều công ty tìm đến những cấu trúc đúc sẵn được chế tạo trước tại nhà máy. Nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Xây dựng và Kỹ thuật Dân dụng Hàn Quốc, dẫn đầu bởi tiến sĩ Seok-Ho Lim và Joon-Soo Chung, nâng cấp phương pháp này với việc phát triển hệ thống xây nhà mới theo dạng module, New Atlas hôm 28/12 đưa tin.

Một khu ký túc xá xây dựng theo hệ thống module mới.
Một khu ký túc xá xây dựng theo hệ thống module mới. (Ảnh: Viện Công nghệ Xây dựng và Kỹ thuật Dân dụng Hàn Quốc).

Hệ thống gồm nhiều khối nhà với hình dạng giống container vận chuyển, đóng vai trò là các phòng đơn trong một tòa nhà lớn hơn. Mỗi khối gồm hai module: Module bên trong gồm tường lót trong, sàn lót trong, trần nhà, và module PC gồm hai bức tường ngoài chịu tải và sàn ngoài chịu tải.

Khi chế tạo xong, cả hai loại module đều được vận chuyển tới công trường. Tại đây, cần cẩu sẽ đưa module bên trong vào trong module PC tương ứng, tạo thành khối hoàn chỉnh. Sau đó, cần cẩu tiếp tục nâng từng khối lên đặt vào đúng vị trí trên nền bêtông, xếp chồng khối này lên trên khối kia theo đúng kiến trúc. Cuối cùng, nhóm công nhân sẽ bổ sung mái nhà, cầu thang và hành lang liên kết các khối để hoàn thiện công trình. Các khối này chiếm khoảng 70% - 80% toàn bộ tòa nhà.

Quá trình lắp ráp tại chỗ không chỉ tốn ít thời gian và công sức hơn so với những phương pháp xây dựng truyền thống mà còn tạo ra ít tiếng ồn, bụi và chất thải hơn. Ngoài ra, khi tòa nhà không còn được sử dụng, các khối riêng lẻ có thể được dỡ ra và dùng cho dự án khác. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc gần đây đã công bố kế hoạch sử dụng hệ thống này để xây nhà cho thuê trong vùng đô thị Seoul và các thị trấn mới ở ngoại thành.

"Phương pháp xây dựng module cung cấp giải pháp hiệu quả để xử lý những vấn đề về môi trường trong ngành xây dựng và tình trạng thiếu nhà ở. Công nghệ này giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng, giảm nhu cầu thực hiện phần lớn hoạt động tại công trường, dẫn đến thời gian xây dựng ngắn hơn so với những phương pháp xây dựng bêtông truyền thống", Lim cho biết.

Cập nhật: 30/12/2023 VnExpress
  • 260