Khi mua sắm các đồ điện gia dụng, người tiêu dùng Việt Nam chưa để ý nhiều tới chi phí vận hành sản phẩm, bao gồm chi phí cho tiêu thụ điện. Cùng một loại sản phẩm gia dụng với giá tiền xấp xỉ nhau nhưng mỗi sản phẩm sẽ có mức tiêu hao năng lượng khác nhau tùy thuộc vào hãng sản xuất, công nghệ áp dụng. Điều này có thể được tìm thấy ngay trên các nhãn mác dán trên thiết bị.
Các đồ điện gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, lò nướng… là những thứ chủ yếu tiêu hao năng lượng trong nhà bạn, vì vậy việc lựa chọn những thiết bị có hiệu quả năng lượng cao nhất có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí sở hữu sản phẩm.
Ở một số nước như Mỹ, Úc, châu Âu đều có các chương trình ghi nhãn năng lượng Energy Rating để giúp khách hàng lựa chọn thiết bị tiết kiệm năng lượng và các nhãn này áp dụng cho cả các thiết bị dùng điện và khí đốt.
Tại Việt Nam, theo lộ trình dán nhãn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị gia dụng như thiết bị chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện… được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1/7/2011. Đến 1/1/2013 việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm này là bắt buộc. Các thiết bị văn phòng và thương mại như máy photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1/1/2014 và bắt buộc thực hiện kể từ 1/1/2015.
Hiện tại, hầu hết các mặt hàng trong diện quy định đều đã được dán nhãn năng lượng, nhưng người tiêu dùng chưa để ý nhiều cũng như chưa thật hiểu rõ các thông tin ghi trên nhãn. Bài viết nêu một số chương trình dán nhãn năng lượng lớn trên thế giới, mà hầu hết các sản phẩm đều áp dụng, để bạn đọc tham khảo.
Chương trình dán nhãn năng lượng của Úc phân ra 2 loại nhãn năng lượng dành cho thiết bị điện và thiết bị dùng gas.
Nhãn năng lượng điện được dán trên TV, điều hòa nhiệt độ, máy sấy quần áo, máy rửa bát, máy giặt, tủ lạnh và tủ đá. Có hai nhãn: nhãn tiêu chuẩn 6 sao và các nhãn từ 7-10 sao dán cho các thiết bị đạt hiệu quả năng lượng cao hơn. Các nhãn này ghi rõ thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng như thế nào, sử dụng bao nhiêu năng lượng trong một năm. Càng nhiều sao thì có nghĩa thiết bị được đánh giá hiệu quả năng lượng cao hơn các model khác, thiết bị sử dụng ít năng lượng hơn và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, các con số ghi trên nhãn năng lượng là mức tiêu thụ năng lượng trung bình, bạn cần cân nhắc việc sử dụng năng lượng của bạn có thể khác với mức trung bình này.
Bạn có thể tham khảo thông tin về nhãn năng lượng trên website Energy Ratings Chính phủ Úc khi cần so sánh các thiết bị điện đạt các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của Úc. Khi so sánh các thiết bị, đảm bảo rằng bạn so sánh các model có kích thước, khối lượng và dung tích tương ứng.
Với các thiết bị dùng gas, nhãn năng lượng được dán trên máy sưởi gas, bình nước nóng đun bằng gas, tuy nhiên chương trình này là tự nguyện nên không phải tất cả các nhà sản xuất đều dán nhãn năng lượng gas. Nhãn năng lượng gas nếu có sẽ hiển thị 1 ngôi sao biểu thị cho hiệu quả năng lượng và ghi rõ số Megajoule (MJ) năng lượng tiêu thụ mỗi năm. Thiết bị sử dụng gas càng hiệu quả thì số MJ càng thấp và số ngôi sao càng nhiều.
ENERGY STAR® là chương trình dán nhãn năng lượng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, được sử dụng bởi một số quốc gia, bao gồm cả Úc. Các sản phẩm được cấp nhãn Energy Star nếu đáp ứng được các yêu cầu về hiệu quả năng lượng của bộ thông số Energy Star. Thông thường, nhãn Energy Star được tìm thấy trên các mặt hàng như máy vi tính, ti vi, máy in, máy photocopy và máy nghe đĩa DVD. Những sản phẩm nào được gắn nhãn này có nghĩa nó tiết kiệm điện hơn những sản phẩm không có nhãn ít nhất là 20% điện năng tiêu thụ).
Có ba thông tin về hiệu quả năng lượng mà bạn có thể tìm thấy trên hệ thống nhãn năng lượng châu Âu:
1. Xếp hạng hiệu quả năng lượng: chia thành các mức A+++, A++, A+, A, B, C, D, trong đó sản phẩm ghi nhãn A+++ có hiệu quả năng lượng cao nhất, thấp nhất là sản phẩm ghi nhãn D.
2. Mức tiêu thụ năng lượng hàng năm: mức này được ghi cụ thể theo đơn vị kWh, được tính toán dựa trên các tiêu chuẩn do EU định nghĩa và công bố. Ví dụ, trong hình trên là nhãn năng lượng dán trên một máy sấy quần áo, con số điện năng tiêu thụ hàng năm (XYZ) được tính theo chương trình sấy quần áo cotton với tải trọng đầy hoặc một nửa.
3. Thông tin sản phẩm cụ thể: bạn có thể tìm thấy một số hình ảnh phụ liên quan đến sản phẩm, ví dụ như dung tích, lượng nước tiêu thụ và mức độ gây ồn.
Hệ thống dán nhãn năng lượng châu Âu được áp dụng trên các sản phẩm: máy giặt, máy giặt sấy, máy sấy (quần áo), tủ lạnh, tủ đông, máy rửa chén bát, bếp điện, điều hòa nhiệt độ, bóng đèn tiết kiệm năng lượng.
Tất cả các sản phẩm gia dụng lớn đều có nghĩa vụ dán nhãn năng lượng, nếu bạn không tìm thấy, bạn nên hỏi rõ người bán.
Nếu bạn đang so sánh hai thiết bị có cùng một nhãn năng lượng, ví dụ đều cùng có nhãn A, hãy xem xét kỹ hơn số liệu về mức tiêu thụ năng lượng để xác định thiết bị nào dùng điện ít hơn.
Các chi tiết khác ghi trên nhãn năng lượng cũng rất hữu ích - như dung tích máy giặt, độ ồn – cũng là nguồn thông tin tham khảo để bạn so sánh giữa các sản phẩm khác nhau.