Hai nhà khoa học ghi lại cuộc sống của cá mập Greenland ở đáy biển trong một lần chạm trán sinh vật cổ đại.
Nhà nghiên cứu Brynn Devine và Laura Wheeland bất ngờ trông thấy con cá mập Greenland lộ ra từ lớp bùn sâu và nhìn chằm chằm ống kính máy quay gắn mồi nhử ở đáy biển ngoài khơi Nunavut, Canada, trong một dự án nghiên cứu thay mặt Viện Cá và Hải dương thuộc Đại học Newfoundland Memorial, Story Trender hôm nay đưa tin. Cuộc chạm trán với loài cá mập tiền sử có thể giúp các nhà khoa học khám phá một số bí mật của chúng.
Cá mập Greenland - loài cá mập sống thọ nhất thế giới.
Dù cá mập Greenland có thể đạt chiều dài hơn 7 mét và có khả năng sống tới gần 500 năm, giới nghiên cứu biết rất ít về chúng do loài vật này có bản tính hay lẩn tránh. Cư trú ở vùng nước sâu phía bắc Đại Tây Dương, bí quyết sống trường thọ của sinh vật cổ đại vẫn là một bí ẩn đối với nhiều thế hệ học giả.
"Chúng tôi đang khảo sát hệ sinh thái nhằm hiểu rõ hơn những loài phân bố ở Bắc cực, đặc biệt tại các khu vực có ít dữ liệu. Camera gắn mồi nhử là một phương pháp lấy mẫu được sử dụng trong khảo sát, cho phép chúng tôi tìm kiếm những loài chúng tôi có thể không gặp khi dùng cần câu", Brynn chia sẻ.
Phát triển với tốc độ chỉ một centimet mỗi năm, cá mập Greenland, một trong rất ít loài cá mập ở vùng cực, được cho là không thể đạt tới giai đoạn thành thục về sinh sản cho tới 150 tuổi. Dù bơi chậm và ký sinh trùng ở mắt cản trở tầm nhìn, cá mập Greenland là loài săn mồi hàng đầu trong hệ sinh thái Bắc Cực và là động vật có xương sống sống lâu nhất thế giới.
"Cá mập Greenland là loài cá lớn nhất ở Bắc cực dù phát triển chậm. Chúng từng được ghi hình trước đây, nhưng chúng rất khó tìm do ưa sống ở vùng nước sâu lạnh giá thuộc Bắc Cực và nam Đại Tây Dương. Thật tuyệt vời khi có thể trông thấy chúng bơi dọc đáy biển trong môi trường sống tự nhiên, ăn mồi nhừ và tương tác với ống kính camera", Brynn nói.