Hình ảnh Trái đất nhìn từ cực nam Mặt trăng

  •   2,52
  • 1.104

NASA hy vọng các phi hành gia có thể tận mắt quan sát Trái đất từ vùng cực của Mặt trăng vào cuối thập kỷ 2020.


 (Video: NASA)

Studio đồ họa khoa học của NASA ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard tại Maryland chia sẻ video ngắn mô phỏng tầm nhìn từ cực nam Mặt trăng trong hơn 3 tháng. Trong suốt thời gian đó, Trái đất nhiều lần nhô lên lặn xuống còn Mặt trời rực rỡ di chuyển ngang theo đường chân trời. Thậm chí, Trái đất bay qua phía trước và che khuất Mặt trời, ngược với hiện tượng nguyệt thực mà chúng ta thấy từ mặt đất.

"Đối với người quan sát trên Trái đất, đây là nguyệt thực, trong đó Mặt trăng bay qua bóng của Trái đất. Tuy nhiên, nhìn từ Mặt trăng, đó lại là nhật thực", NASA cho biết.


Mô phỏng Trái đất quan sát từ cực nam Mặt trăng.

Camera ảo trong đồ họa nằm trên vành miệng hố Shackleton, xuất hiện một phần ở góc dưới bên phải khung hình. Đây là khu vực mà NASA nhắm tới trong nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt trăng Artemis. Cơ quan này hy vọng có thể đưa phi hành gia đáp xuống bề mặt thiên thể vào cuối thập niên 2020. Một loạt robot thám hiểm hỗ trợ nhiệm vụ trong chương trình Commercial Lunar Payload Services (CLPS) có thể bay tới Mặt trăng đầu năm 2022.

Nhiệm vụ không người lái Artemis 1 của NASA sẽ bay vòng quanh Mặt trăng và trở về Trái đất, dự kiến phóng vào tháng 2/2022. Nhiệm vụ này đã bị trì hoãn vài lần do vấn đề kỹ thuật. Nhiệm vụ tiếp theo là Artemis 2 sẽ chở một phi hành gia người Canada bay quanh quỹ đạo Mặt trăng năm 2023. NASA hy vọng nhiệm vụ đổ bộ Mặt trăng mang tên Artemis 3 có thể diễn ra vào năm 2024.

Các mốc thời gian trên có thể thay đổi trong thời gian hoàn thành nhiệm vụ Artemis 1, phát triển công nghệ và xin cấp kinh phí.

Cập nhật: 01/11/2021 Theo VnExpress
  • 2,52
  • 1.104