Trái đất ấm dần và băng đang tan chảy, nhưng trái với suy đoán của các nhà khoa học, mực nước ở các hồ Bắc cực không những không dâng lên mà còn... thấp đi. Một số hồ nhỏ đã biến mất một cách đầy bí ẩn.
Theo ảnh chụp vệ tinh trong cuộc khảo sát 1,3 triệu hồ lớn, nhỏ ở Canada, các nhà khoa học phát hiện thấy diện tích hồ của nước này đã mất tới 6700 km2, tương đương 1,2% trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2009.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa thì hiện tượng hồ bị thu hẹp này cũng đang tác động tiêu cực đến thiên nhiên và con người ở khu vực này. “Đây là một phát hiện quan trọng. Chúng ta cần tháo gỡ bí ẩn này”, ông Larry Hinzman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc cực Quốc tế ở Alaska bình luận trên NewScientist.
10 năm là khoảng thời gian đủ dài để báo hiệu khí hậu đang thay đổi. Đồng thời sự việc diễn ra trên một quy mô đủ rộng để có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như khí hậu của cả vùng. Các loài chim di trú, đời sống thủy sinh, những người dân bản xứ kiếm ăn trên khu vực “triệu hồ” có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nếu tình trạng khô cạn tiếp diễn.
Trên thực tế, không phải bây giờ người ta mới ghi nhận được tình trạng các hồ Bắc cực khô cạn và biến mất. Tuy nhiên trước đây tình trạng này chỉ phổ biến ở cực nam của Bắc cực, nơi xu hướng ấm lên của Trái đất khiến cho đất băng (Theo địa chất học, đất băng là đất có nhiệt độ 0 hoặc dưới 0 trong vòng 2 năm trở lên - ND) tan chảy và nước hồ bị đất khô hút mất nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Maryland lại cho ra kết quả ngược lại: chính các hồ ở phía bắc mới bị thu hẹp và khô cạn, trong khi các hồ ở phía Nam không suy chuyển gì.
Phát hiện này hoàn toàn gây bất ngờ, bởi lượng mưa trung bình của khu vực phía bắc luôn cao hơn phía nam trong suốt 10 năm qua. Hơn nữa, hầu hết nước trong hồ đều do núi băng tan chảy theo mùa mà có. Lẽ ra, với thời tiết ấm lên, diện tích núi băng sẽ phải giảm xuống và mực nước hồ phải dâng lên. Một điều kỳ lạ nữa là chưa có bằng chứng nào cho thấy đất băng ở phía bắc đang tan chảy để nước hồ có thể bị thẩm thấu.