Hố đen khổng lồ đi lạc trong ngân hà

  •   37
  • 6.219

Một hố đen có khối lượng lớn hơn Mặt Trời khoảng 100,000 lần bị bật ra khỏi vị trí của nó và đang di chuyển trong ngân hà.

Nhóm nghiên cứu do nhà vật lý học Dacheng Lin, trường Đại học New Hampshire, Mỹ, phụ trách phát hiện một hố đen bị bật khỏi vị trí và đang di chuyển trong ngân hà của nó, IFL Science hôm 6/10 đưa tin.

Hố đen khổng lồ bị bật khỏi vị trí đang di chuyển trong ngân hà của nó.
Hố đen khổng lồ bị bật khỏi vị trí đang di chuyển trong ngân hà của nó. (Ảnh: Chandra X-ray Observatory).

Từ năm 2000 đến 2015, các nhà khoa học sử dụng đài quan sát vũ trụ XMM-Newton của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và kính viễn vọng không gian Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để quan sát một vùng đặc biệt của ngân hà GJ1417+52, cách Trái Đất 4,5 tỷ năm ánh sáng.

Họ phát hiện một nguồn tia X siêu sáng hướng về rìa ngân hà. Nó mang tất cả đặc trưng của một hố đen khổng lồ nhưng không nằm ở trung tâm của ngân hà. Nhóm nghiên cứu suy đoán đây có thể là một trường hợp hố đen đi chệch hướng hiếm gặp.

Vật thể được đặt tên là XJ1417+52 có khối lượng lớn hơn Mặt Trời khoảng 100.000 lần. Nhóm nghiên cứu cho rằng hố đen bị đánh bật ra ngoài khi ngân hà của nó sáp nhập hoặc va chạm với ngân hà khác. Khi va chạm xảy ra, mặt trời của một ngân hà tiến gần tới hố đen khổng lồ của ngân hà kia khiến hố đen bị đánh bật ra khỏi vị trí và mặt trời bị vỡ vụn.

Phát hiện mới này đã giúp củng cố giả thuyết rằng trong trường hợp đặc biệt, ví dụ như va chạm với một ngân hà lớn hơn, hố đen có thể bật ra khỏi vị trí trung tâm của nó.

Cập nhật: 10/10/2016 Theo VnExpress
  • 37
  • 6.219