Hồ nước sôi sùng sục quanh năm trên quốc đảo Dominica

Bí ẩn hồ nước sôi quanh năm, đến gần dễ bị bỏng hoặc tử vong
  •  
  • 2.056

Một hồ nước sôi sục quanh năm trong công viên quốc gia Dominica từng biến mất do núi lửa phun trào và xuất hiện trở lại chỉ sau một ngày.

Hồ nước sôi Dominica trong công viên Morne Trois Pitons thuộc quốc đảo Dominica trên vùng biển Caribean là lỗ phun khí lớn nứt ra từ lớp vỏ Trái Đất, theo Amusing Planet.

Nước màu có màu xanh xám và luôn sôi sục ở nhiệt độ khoảng 90°C do khí gas thoát ra từ dung nham nóng chảy bên dưới. Mặt hồ luôn được che phủ bởi màn hơi nước bốc lên nghi ngút như một nồi nước sôi khổng lồ. Hồ có đường kính 76 mét, là hồ nước sôi lớn thứ hai trên thế giới sau hồ Frying Pan ở thung lũng Waimagu, gần Rototua, New Zealand.

Hồ nước sôi trong công viên quốc gia Morne Trois Pitons có nhiệt độ lên tới 90 độ C.
Hồ nước sôi trong công viên quốc gia Morne Trois Pitons có nhiệt độ lên tới 90 độ C. (Ảnh: Flickr).

Hồ được phát hiện lần đầu vào năm 1870 bởi Watt và Tiến sĩ Nicholls, 2 người Anh làm việc tại Dominica vào thời điểm đó. Năm 1875, ông Prestoe, một nhà thực vật học, và Tiến sĩ Nicholls được giao nhiệm vụ điều tra hiện tượng tự nhiên này. Họ đo nhiệt độ nước và thấy nó dao động từ 180 đến 197 độ F (82 - 91,5 độ C) dọc theo các cạnh, nhưng không thể đo nhiệt độ tại trung tâm nơi hồ đang sôi. Bên cạnh đó, họ đã ghi lại độ sâu khoảng 59m.

Một báo cáo sau đó chỉ ra rằng, có một mạch phun nước đã phát triển ở trung tâm hồ. Mạch này phun ra nước và bùn cao đến 18m, tạo ra một khối bọt hình nón ở đáy và lấp đầy đáy hồ.

Thành bên của hồ là hỗn hợp của đất sét, đá bọt và đá nhỏ. Hồ nước này được bao quanh bởi một đám mây dày đặc với làn hơi ẩm ướt tỏa ra. Bên cạnh đó, bên dưới có những khối nước xoáy, sủi bọt ở giữa hồ để có thể khẳng định rằng nước trong hồ luôn trong trạng thái bị “đun sôi”.

Nước hồ luôn đầy vì lượng mưa hàng năm ở đây khá cao và có hai dòng suối nhỏ đổ vào khu vực. Nước thấm xuống dung nham và bị đun nóng đến khi đạt nhiệt độ sôi. Do đó, mực nước hồ liên tục biến động.

Hồ nước này từng biến mất sau một vụ phun trào núi lửa ở khu vực lân cận vào năm 1880, trở thành một vòi phun nước nóng và khí ga. Năm 2004 - 2005, bề mặt khu vực có nhiều biến đổi lớn. Mặt đất bỗng nhiên sụp sâu 10m và hồ nước tái xuất hiện chỉ sau một ngày.

Hồ nằm bên trên mạch nước ngầm trong khu vực nên thường xuyên cạn nước và được đổ đầy nhanh chóng.
Hồ nằm bên trên mạch nước ngầm trong khu vực nên thường xuyên cạn nước và được đổ đầy nhanh chóng.

Các nhà địa chất học cho rằng hồ nằm bên trên mạch nước ngầm trong khu vực nên thường xuyên cạn nước và được đổ đầy nhanh chóng. Luồng hơi hoặc khí gas sinh ra liên tục từ magma dâng lên chậm rãi bên dưới đẩy nước chảy vào hồ. Nguồn cung cấp khí gas bị gián đoạn có thể làm cho hồ cạn nước.

Công viên quốc gia Morne Trois Pitons là khu vực có nhiều núi lửa còn hoạt động. Với diện tích gần 7.000 hecta, công viên có tới 5 ngọn núi lửa, hàng chục suối nước nóng, lỗ phun khí nhưng đáng chú ý nhất vẫn là hồ nước sôi quanh năm.

Cập nhật: 05/10/2021 Theo VnExpress/Báo Giao Thông
  • 2.056