Các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu cho biết, một loài thực vật được bảo quản trong hổ phách cách đây khoảng 100 triệu năm đã tiết lộ những bằng chứng về sinh sản hữu tính của thực vật có hoa. Bọc trong mảnh hổ phách là 18 bông hoa nhỏ xíu có từ kỷ Phấn trắng mà một số hoa đó đang trong quá trình phát triển để truyền giống cho thế hệ sau.
Hãng tin UPI dẫn lời nhà sinh học George Poinar từ Trường đại học Oregon cho biết tuy mẫu thực vật bị “giam” trong hổ phách này đã tuyệt chủng vào giữa kỷ Phấn trắng, nhưng đó là một minh chứng cho thực vật có hoa làm thay đổi bề mặt trái đất, dẫn tới sự đa dạng và phát triển của sinh vật đến hôm nay.
Qua nghiên cứu dưới kính hiển vi, các nhà khoa học tại Oregon và đồng nghiệp người Đức đã phát hiện từ sự phát triển của ống phấn, vài hạt phấn hoa đang thâm nhập vào hệ thống sinh sản của hoa cái. Các nhà khoa học cũng bất ngờ khi giọt hổ phách rơi xuống bao cụm hoa này rất nhanh và bảo quản rất tốt đến ngày nay.
Ở đầu kỷ Phấn trắng, thực vật trên trái đất chủ yếu là cây lá kim, dương xỉ, rêu… Sau đó những loài thực vật có hoa dần hình thành và phát triển, lúc đó khủng long vẫn đang thống trị hành tinh. UPI dẫn lời Poinar cho biết, sự tiến hóa của thực vật có hoa đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong đa dạng sinh học đối với sự sống trên trái đất, đặc biệt là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.