Hồ nước muối ở đáy vịnh Mexico độc đến mức giết chết và ướp xác gần như tất cả động vật không may bơi vào.
Phương tiện điều khiển từ xa thám hiểm hồ nước mặn. (Video: Nautilus Live)
Một hồ nước chết chóc cực mặn ở đáy vịnh Mexico còn được gọi là "bồn tắm tuyệt vọng". Điều kiện ở hồ độc hại đến mức chỉ có vi khuẩn và một vài động vật có thể sống sót. Các nhà nghiên cứu phát hiện "Bồn tắm tuyệt vọng" trong chuyến thám hiểm vào năm 2015 nhằm tìm hiểu lỗ phun lạnh ở tầng nước sâu của vịnh. Lỗ phun lạnh là nơi hydrocarbon, thành phần chủ chốt của dầu khí, thoát ra từ đáy biển và tiến vào cột nước. Ở vịnh Mexico, hydrocarbon phun ra bởi sự dịch chuyển các phiến muối ở vỏ Trái đất, hình thành khi nước bay hơi từ một vùng biển cổ đại cách đây hàng triệu năm, theo Live Science.
Đoàn thám hiểm đặt biệt danh là lỗ phun lạnh đặc biệt này là "Bồn tắm tuyệt vọng" sau khi họ phát hiện những con cua và nhiều sinh vật khác chết bên trong hồ nước hình lòng chảo. Lỗ phun nằm ở độ sâu gần 1.000m bên dưới mặt biển, có chu vi 30,5 m và độ sâu 3,7 m.
Lỗ phun nằm ở độ sâu gần 1.000m bên dưới mặt biển.
Nước muối bên trong hồ là kết quả từ hydrocarbon sủi lên qua các phiến muối bị chôn vùi, theo kết quả thám hiểm công bố năm 2016 trên tạp chí Oceanography. Nước muối này mặn gấp 4 lần và đặc hơn nhiều so với nước biển ở xung quanh lỗ phun lạnh, ngăn hai loại nước hòa lẫn vào nhau. Nhiệt độ bên trong hồ lên tới 19 độ C, kết hợp với độ mặn cao, tạo thành điều kiện chết chóc đối với phần lớn tổ chức sinh vật. Nước muối cũng chứa nồng độ hydro sulfide và methane cao, do đó chỉ một số sinh vật như con trai có thể chịu được.
Hồ nước được bao quanh bởi vách dốc, chứa nhiều dòng khoáng chất màu đỏ, vàng và trắng cũng như các ổ trai. Theo một nhà nghiên cứu trong đoàn thám hiểm, những con trai đã làm tốt công việc giữ gìn vách hồ nguyên vẹn. Bên trong hồ chứa xác ướp của nhiều sinh vật không may bò vào đó.