Một con côn trùng cổ đại được tìm thấy trong hổ phách có niên đại 100 triệu năm tuổi với đầu và hai mắt lớn giống sinh vật ngoài hành tinh.
George Poinar Jr, giáo sư côn trùng học tại Đại học bang Oregon, Mỹ, phát hiện một con côn trùng kỳ lạ không có cánh được bảo quản trong một mảnh hổ phách ở thung lũng Hukawng, Myanmar. Nó có niên đại khoảng 100 triệu năm, theo Seeker.
Con côn trùng kỳ lạ với đầu trông giống người ngoài hành tinh. (Ảnh: Seeker).
Trái Đất hiện nay là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu loài côn trùng khác nhau. Trước đây chúng được phân loại thành 31 bộ (order). Ví dụ, ong và kiến thuộc bộ cánh màng (Hymenoptera). Các nhà khoa học đặt tên con côn trùng mới là Aethiocarenus burmanicus. Nó được xếp vào bộ côn trùng thứ 32 gọi là Aethiocarenodea. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cretaceous Research tháng 4/2017.
Aethiocarenus burmanicus mang những đặc điểm rất độc đáo, không giống bất kỳ con bọ nào khác. Đầu của nó có hình tam giác vuông, trông như người ngoài hành tinh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Cơ thể của con vật khá mảnh khảnh với đôi chân dài.
"Những con côn trùng ngày nay thường có đầu hình tam giác. Cạnh dài nhất của tam giác luôn nằm ở đáy của phần đầu và gắn vào cổ. Đỉnh của tam giác là đỉnh đầu của con vật. Nhưng con côn trùng này thì ngược lại, với đỉnh của tam giác vuông gắn vào cổ. Hai mắt to lớn của con vật cho phép tầm nhìn mở rộng lên đến 180 độ khi quay sang một bên. Do đó, nó quan sát được mọi thứ đang diễn ra sau lưng", Poinar nói.
Poinar cho rằng, Aethiocarenus burmanicus sống trong các vết nứt ở vỏ cây. Thức ăn của chúng là sâu, ve và nấm. Con vật có thể tiết ra một chất hóa học từ các tuyến ở cổ nhằm đẩy lùi những động vật săn mồi khác. Nguyên nhân khiến Aethiocarenus burmanicus tuyệt chủng đến nay vẫn là điều bí ẩn, nhưng nhiều khả năng là do chúng bị mất môi trường sống thích hợp.