Các nhà nghiên cứu cổ sinh học thuộc Viện Nghiên cứu băng, tuyết và môi trường cho biết họ đã phát hiện hóa thạch nhiều năm tuổi nhất của một loài thực vật tại Argentina. Đó là một khám phá đầy ấn tượng, vì hóa thạch thực vật này có đến 472 triệu năm tuổi.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu môi trường băng và tuyết ở Mendoza (Argentina) đã phát hiện thấy hóa thạch của một loài thực vật mới có tên là cryptospore tại vùng núi Sierras Subandinas, Central Andean Basin của Argentina. Loài thực vật thuộc họ rêu tản (liverwort) này được cho là xuất hiện đầu tiên trên Trái đất - cách đây 472 triệu năm, sớm hơn 10 triệu năm so với những nghiên cứu trước đây.
Trước đó, các nhóm các nhà khoa học khác đã phát hiện hóa thạch của một loài thực vật cũng thuộc họ rêu tản ở Ả Rập Saudi và CH Czech. Những hóa thạch này sau đó đã được xác định có niên đại khoảng 462 triệu năm và được coi là loại thực vật cổ nhất được phát hiện vào thời điểm đó.
Loài thực vật cryptospore mới được phát hiện có cấu tạo rất đơn giản, chưa có rễ và tế bào. Các nhà khoa học cho rằng loài thực vật có vai trò tạo tiền đề cho việc xuất hiện của hàng loạt các loài thực vật trên cạn khác cách đây hàng trăm triệu năm và cryptospore có thể được coi là tổ tiên của các loài thực vật trên mặt đất.
Nhóm nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra loài cryptospore khi họ đang tiến hành xử lý các mẫu trầm tích lấy ở khu vực núi Sierras Subandinas. Trong những mẫu trầm tích, các nhà khoa học đã phát hiện thấy bào tử hóa thạch của 5 loài rêu tản khác nhau. Những bảo tử này có niên đại khoảng từ 473 triệu đến 471 triệu năm cách đây.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng loài thực vật này đã bắt đầu đa dạng hóa để thích nghi với môi trường. Điều đó cũng chứng tỏ rằng loài rêu tản đầu tiên có thể xuất hiện trên cạn sớm hơn những bào tử này”, tiến sĩ Claudia Rubinstein, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.