Hóa thạch mới cho thấy động vật linh trưởng có tổ tiên ở châu Á

  •  
  • 1.104

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trực tuyến trên tờ Proceedings of the Royal Society B (Biological Sciences) ngày 1 tháng 7 năm 2009, một động vật linh trưởng hóa thạch mới được phát hiện tại Myanmar tiết lộ rằng tổ tiên chung của người, khỉ không đuôi và vượn có thể đã tiến hóa từ động vật linh trưởng châu Á, chứ không phải châu Phi như nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghĩ.

Tiêu điểm chính của nghiên cứu cổ sinh học mới đây tập trung vào nguồn gốc của động vật linh trưởng dạng người (gồm con người, khỉ, khỉ không đuôi) từ động vật linh trưởng nguyên thủy hơn sống ở trước đó với tên gọi bộ bán hầu (gồm vượn cáo, khỉ lùn tarsier, cùng các họ hàng đã tuyệt chủng của chúng). Trước các khám phá mới đây ở Trung Quốc, Thái Lan, và Myanmar, hầu hết các nhà khoa học tin tưởng rằng vượn người có nguồn gốc từ châu Phi. Đầu năm nay, phát hiện về xương sống của động vật linh trưởng hóa thạch “Ida” tại Đức khiến cho một số nhà khoa học cho rằng động vật linh trưởng dạng người tiến hóa từ loài adapiform trông giống như vượn cáo.

Phát hiện động vật linh trưởng hóa thạch mới đây tại Myanmar tiết lộ rằng tổ tiên chung của người, khỉ không đuôi và vượn có thể đã tiến hóa từ động vật linh trưởng châu Á, chứ không phải châu Phi như nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghĩ. (Ảnh: Mark A. Klingler/ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie).
Theo tiến sĩ Chris Beard – nhà cổ sinh học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Pittsburgh, Pennsylvania, đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế về những phát hiện vượn người ở Myanmar – thì loài động vật linh trưởng mới, Ganlea megacanina, cho thấy vượn người đầu tiên bắt nguồn từ châu Á hơn là châu Phi. Những vượn người châu Á sơ khai này khác một cách cơ bản so với những loài adapiform như Ida, điều này chứng tỏ rằng Ida có liên hệ họ hàng với các loài vượn cáo hiện đại hơn là với khỉ, khỉ không đuôi và con người.

Hóa thạch Ganlea megacanina 38 triệu năm tuổi, được khai quật ở nhiều địa điểm khác nhau thuộc miền trung Myanmar, thuộc về một loài và một giống mới. Tên của loài mới này phỏng theo tên làng Ganle, gần vùng đã tìm ra hóa thạch, và những chiếc răng lớn có hình dáng giống răng chó chính là đặc điểm phân biệt loài này với các động vật linh trưởng họ hàng khác. Những vết trầy, sứt trên răng cho thấy Ganlea megacanina đã dùng những chiếc “răng chó” này để cậy lớp vỏ cứng bên ngoài của các loại quả nhiệt đới và lấy ra ruột quả chứa dinh dưỡng bên trong.

"Cách ăn này chưa từng được ghi nhận ở bất kì loài động vật linh trưởng bán hầu nào, nhưng là nét đặc trưng của khỉ saki Nam Mĩ hiện đại cư trú ở vùng lưu vực sông Amazon,” tiến sĩ Beard cho biết. “Ganlea cho thấy vượn người châu Á sơ khai 38 triệu năm trước cũng đã đảm nhận vai trò sinh thái của khỉ hiện đại.”

Ganlea và những loài họ hàng gần gũi nhất của nó thuộc về một họ động vật linh trưởng dạng người châu Á đã tuyệt chủng được gọi chung là Amphipithecidae. Hai loài trong họ này, Pondaungia và Myanmarpithecus, cũng đã được tìm thấy ở Myanmar, trong khi loài thứ ba, Siamopithecus, đã được phát hiện ở Thái Lan trước đó. Một phân tích chi tiết về các quan hệ tiến hóa của chúng cho thấy những loài thuộc họ này có quan hệ mật thiết với các động vật dạng người ngày nay, và tất cả các loài Amphipithecidae ở Miến Điện (Myanmar trước kia) đã tiến hóa từ một tổ tiên chung duy nhất. Một số nhà khoa học trước đây từng lập luận rằng những loài này không phải là động vật dạng người, chúng có quan hệ gần hơn với loài adapiform dạng vượn cáo.

Phát hiện về Ganlea ủng hộ mạnh mẽ cho ý kiến họ Amphipithecidae là động vật họ người, bởi adapiform chưa bao giờ tiến hóa những đặc tính cần thiết để trở thành loài có đặc trưng là ăn quả, hạt. Thực tế, toàn bộ họ này ở Miến Điện đều có nét đặc trưng là ăn quả, hạt, đảm nhận vai trò sinh thái giống như khỉ pitheciine hiện đại sống ở lưu vực sông Amazon vùng Nam Mỹ. Trong suốt kỉ Eocene, khi Ganlea và các loài khác thuộc họ Amphipithecidae tồn tại trên đất Myanmar ngày nay, chúng sống ở vùng đồng bằng cửa sông do nước lũ tạo thành, nơi có các đặc điểm môi trường tương tự như vùng lưu vực sông Amazon hiện tại.

Hóa thạch của Ganlea megacanina được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar vào tháng 12 năm 2005. Công trình nghiên cứu ngoài trời này là sự hợp tác của các nhà khoa học đến từ một vài viện ở Myanmar, cũng như Đại học Poitiers và đại học Montpellier của Pháp, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, và Bộ tài nguyên Khoáng sản Thái Lan. Kinh phí của chương trình được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.104