Một trong những nỗi kinh hoàng trong chiến tranh thế giới thứ nhất chính là khí mù tạt - một loại vũ khí hóa học màu vàng vô cùng độc hại. Đối với những người không may bị phơi nhiễm sẽ gây khó thở, bỏng mắt và những vết phồng rộp lớn trên da. Các nhà khoa học đã cố gắng hết sức để phát triển một loại thuốc giải độc cho vũ khí chiến tranh tàn khốc này. Trong quá trình họ nghiên cứu, họ nhận ra loại khí độc có thể gây tổn thương tủy nghiêm trọng không thể phục hồi đối với những người lính bị nhiễm.
Mặc dù nó có những tác động khủng khiếp nhưng lại giúp các nhà khoa học nảy ra một ý tưởng. Các tế bào ung thư có chung một đặc điểm với tủy xương chính là phân chia nhanh chóng, nên liệu có thể... Vậy là từ một trong những tội ác tàn bạo của chiến tranh đã trở thành phương pháp điều trị hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư! Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hóa trị.
Các nhà nghiên cứu trong những năm 1930 đã bắt đầu nghiên cứu ý tưởng này bằng cách tiêm các hợp chất có nguồn gốc từ khí mù tạt vào tĩnh mạch của bệnh nhân ung thư. Phải mất rất nhiều thời gian để thử nghiệm đi kèm nhiều thất bại để tìm ra phương pháp điều trị mang lại nhiều lợi ích hơn tác hại. Cuối cùng vào cuối Thế chiến thứ II, họ đã phát hiện ra loại thuốc hóa trị đầu tiên.
Cách mà hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư
Ngày nay có hơn 100 loại thuốc hóa trị gồm cả dạng uống và dạng tiêm. Thuốc hóa trị là các hợp chất được sử dụng như một tác nhân gây độc tế bào sống. Về cơ bản, những loại thuốc này đều gây hại đối với tất cả các tế bào trong cơ thể, nhưng tùy vào mỗi loại tế bào mà mức độ gây hại khác nhau, phản ứng mạnh nhất đối với các loại tế bào phân chia nhanh chóng và đó cũng là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Một trong những loại hóa trị đầu tiên được gọi là tác nhân alkyl hóa vẫn được sử dụng đến ngày nay. Thuốc hóa trị được tiêm vào máu, đưa chúng đến các tế bào trên khắp cơ thể. Khi thuốc ngấm vào tế bào sẽ phá hủy cấu trúc xoắn kép của DNA gây chết tế bào nếu không được sửa chữa kịp thời.
Do các tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng nên chúng bị phơi nhiễm các tác nhân alkyl hóa cao, DNA của chúng thường xuyên bị hư hỏng và không thể hồi phục kịp. Vì vậy, tế bào ung thư chết đi thường xuyên hơn các tế bào khác.
Một hình thức hóa trị khác liên quan đến các hợp chất gọi là chất ổn định Microtubule. Các tế bào có hệ thống hỗ trợ giúp phân chia tế bào và sao chép DNA. Khi các chất ổn định vào bên trong một tế bào, chúng gây ức chế hệ thống hỗ trợ này, ngăn cản tế bào sao chép, dẫn đến chết tế bào.
Đây chỉ là hai ví dụ trong sáu nhóm thuốc hóa trị mà chúng ta sử dụng để điều trị ung thư ngày nay. Nhưng mặc dù có những lợi ích to lớn, hóa trị có một nhược điểm lớn: nó ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể, nhất là các tế bào có khả năng phân chia nhanh chóng như tế bào nang tóc, các tế bào của miệng, niêm mạc đường tiêu hóa, hệ thống sinh sản và tủy xương bị ảnh hưởng nặng nề như ung thư. Tương tự như các tế bào ung thư, việc phân chia nhanh chóng của các tế bào bình thường khiến chúng tiếp xúc nhiều hơn với thuốc hóa trị, dẫn đến một số tác dụng phụ phổ biến như rụng tóc, mệt mỏi, vô sinh, buồn nôn.
Các bác sĩ thường kê toa để giảm bớt các tác dụng phụ này, chẳng hạn như thuốc chống buồn nôn mạnh. Đối với rụng tóc, các thiết bị được gọi là mũ lạnh có thể giúp hạ nhiệt độ quanh đầu, hạn chế các mạch máu giúp giảm lượng thuốc hóa trị tiếp cận với nang tóc. Và cuối cùng, một khi quá trình hóa trị kết thúc, các mô khỏe mạnh bị ảnh hưởng xấu bởi thuốc sẽ hồi phục và bắt đầu tái tạo như bình thường.
Chỉ riêng năm 2018, hơn 17 triệu người trên toàn thế giới đã nhận được chẩn đoán ung thư. Nhưng hóa trị và các phương pháp điều trị khác đã mang đến hi vọng cho rất nhiều người. Số liệu thực tế cho thấy tới 95% bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn sống sót nhờ vào những tiến bộ trong điều trị. Ngay cả ở những người mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính (một loại ung thư máu) thì hóa trị đã giúp 60% bệnh nhân dưới 60 tuổi thuyên giảm sau giai đoạn điều trị đầu tiên.
Các nhà y khoa vẫn không ngừng nghiên cứu những liệu pháp tối ưu hơn nữa, có thể can thiệp chính xác chỉ nhắm vào các tế bào ung thư. Điều đó giúp các loại tế bào khác trong cơ thể vẫn khỏe mạnh và bệnh nhân sẽ gia tăng đáng kể tỷ lệ sống sót.