Người ta vẫn thường hay nói: "Đế vương là những người vô tình nhất thiên hạ", vì đa phần họ đều coi trọng quyền lực địa vị hơn tình cảm, hay sa đà vào mỹ nữ, sẵn sàng bỏ rơi người cũ. Tuy nhiên ít ai biết được trong lịch sử Trung Hoa vẫn còn 1 vị Hoàng đế nổi tiếng vì chung tình, vợ chết vẫn chui vào quan tài nằm chung suốt nhiều ngày trời. Đó chính là Chiêu Văn đế Mộ Dung Hy.
Chân dung Hoàng đế Mộ Dung Hy. (Ảnh minh họa: Internet)
Vua Mộ Dung Hy là con trai út của Yên Thành Võ đế Mộ Dung Thùy, em trai của Huệ Mẫn Đế Mộ Dung Bảo, là vị vua cuối cùng của nước Hậu Yên, một trong những quốc gia mạnh nhất Trung Nguyên thời thập lục quốc (16 nước). Ban đầu, ông được phong làm Hà Gian Vương sau khi Mộ Dung Thịnh lên ngôi đã phong ông làm Hà Gian Công. Mộ Dung Thịnh bị giết, mẹ ông là Đinh thái hậu đã gạt bỏ mọi lời khuyên của quần thần để bí mật đón Mộ Dung Hy vào cung và đưa lên ngôi vua.
Năm 402, sau khi Mộ Dung Hy lên ngôi được 1 năm thì 2 cô con gái của Phù Duẫn là Phù Tung Nga cùng Phù Huấn Anh được đưa vào cung. Phù Duẫn vốn thuộc hoàng tộc Tiền Tần. Chính vì vậy mà 2 cô con gái của ông đều nổi tiếng vì nhan sắc xinh đẹp và thông minh hơn người.
Lúc ấy Mộ Dung Hy đã tỏ ý thiên vị Phù Huấn Anh khi phong cô chị Phù Tung Nga làm Quý nhân, còn em gái lại làm Quý tần. Chỉ thời gian ngắn sau đó, Mộ Dung Hy lại quyết định phong Phù Huấn Anh làm Phù Hoàng hậu và cưng chiều bà hết mực. Không chỉ sủng ái Phù Huấn Anh, ông còn cho xây dựng Thừa Hoa điện dành riêng cho bà. Bất cứ chuyện lớn nhỏ gì trong triều Mộ Dung Hy đều hỏi qua ý kiến của Phù Hoàng hậu rồi mới quyết định.
Phù Hoàng hậu thích đi du lịch, Mộ Dung Hy bỏ hết việc triều chính để đưa bà đi khắp mọi nơi, không kể là vùng núi non hiểm trở hay cao nguyên khắc nghiệt. Vì vậy mà người dân khốn khổ không thôi. Có đến hơn 5000 binh lính vì bảo vệ Mộ Dung Hy và Phù Hoàng hậu đi thăm cảnh đẹp mà bị chó sói cắn chết hoặc chết rét giữa đường.
Phù Hoàng hậu thích ăn ngon lại rất kén chọn, Mộ Dung Hy chẳng ngại ngần mà ra lệnh cho quan ở các nơi vận chuyển sơn hào hải vị đến kinh thành cho mình. Chẳng những thế Phù Hoàng hậu còn có một sở thích khác là ăn thức ăn trái mùa, mùa đông thích ăn món chỉ có ở mùa hè còn mùa hè thì thích ăn những nguyên liệu chỉ có vào mùa đông. Ở thời cổ đại, việc trồng trọt săn bắt đều phụ thuộc vào thời tiết, ăn còn không đủ nói gì đến thức ăn trái mùa. Ấy thế mà Mộ Dung Hy vẫn ra lệnh cho bá quan văn võ tìm bằng được, tìm không thấy sẽ chém đầu trừng phạt.
Mộ Dung Hy si mê Phù Hoàng hậu đến mức không nỡ rời bà nửa bước, đi hành quân đánh giặc cũng phải mang theo cùng. Ông muốn đánh Khiết Đan nhưng quân Khiết Đan lại quá mạnh nên đành lui quân. Không ngờ Phù hoàng hậu không ưng ý vì chưa từng được tận mắt xem đánh trận. Cuối cùng ông chọn gây chiến với Cao Câu Li để rồi thua trận, người chết vô số.
Mộ Dung Hy si mê Phù Hoàng hậu đến mức không nỡ rời bà nửa bước. (Ảnh minh họa: Internet).
Được sủng ái, chiều chuộng là thế nhưng Phù Hoàng hậu lại bạc mệnh chết sớm. Ngày bà mất, Mộ Dung Hy đau khổ, khóc lóc vật vã suốt nhiều ngày đêm đến mức ngất xỉu. Khi chuẩn bị đậy quan tài, ông lại ôm quan tài Phù Hoàng hậu khóc lớn vì không muốn chia lìa. Bất chấp xác Phù hoàng hậu đã thối rữa, Mộ Dung Hy vẫn cho người cạy nắp quan tài để ngắm vợ lần cuối. Thậm chí ông còn vào nằm trong quan tài để "mây mưa" với xác của Phù Hoàng hậu suốt nhiều ngày mới cho đem đến linh đường để làm lễ.
Mộ Dung Hy sau đó còn ra lệnh bắt các quan lớn đến linh đường để khóc tang và cho người bí mật giám sát. Ai giả khóc hay khóc không có lệ sẽ bị xử nặng. Để đối phó, các quan lại phải lén bôi nước cay lên mặt để kích thích mắt rơi lệ. Lo lắng Phù Hoàng hậu cô đơn, Mộ Dung Hy lại ép vợ của Cao Dương Vương là Trương Vương phi tự vẫn để theo hầu vợ mình. Rồi lại dùng sạch tiền trong quốc khố để xây cất lăng mộ thật lớn cho Phù Hoàng hậu.
Ngày đưa tang, Mộ Dung Hy đầu tóc bù xù, đi bộ bằng chân không suốt 20 dặm (gần 10km) để tiễn đưa Phù Hoàng hậu. Vì xe tang lớn không để qua cổng thành, ông lại cho người phá vỡ cổng bất chấp mọi lời khuyên can của bá quan văn võ trong triều.
Hậu quả là thừa dịp Mộ Dung Hy đau khổ vì tình và bỏ bê triều chính, đại tướng Cao Vân, Phùng Bạt đã lên kế hoạch tạo phản. Khi Mộ Dung Hy theo xe tang của Phù Hoàng hậu rời kinh thành, họ đã cho quân tấn công hoàng cung, kiểm soát kinh thành, bắt giam Mộ Dung Hy rồi xử tử hình. Cái chết của Mộ Dung Hy là dấu chấm hết cho nhà Hậu Yên.
Cũng vì sự si tình của vị vua cuối cùng này, người ta đã quyết định chôn Mộ Dung Hy cùng với Phù Hoàng hậu để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông.