Phát hiện này giải thích tại sao bệnh béo phì ngày càng trở nên phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển.
Các chuyên gia của Đại học Laval, thành phố Quebec, Canada chia 14 tình nguyện viên thành ba nhóm. Một nhóm được thư giãn ở tư thế ngồi, nhóm thứ hai đọc và tóm tắt một mẩu chuyện, nhóm thứ ba thực hiện các bài kiểm tra tư duy trên máy tính. Sau 45 phút, tất cả tình nguyện viên được yêu cầu ăn "thả phanh".
|
Ảnh: corbis |
Mặc dù số lượng người tham gia nghiên cứu không nhiều, song kết quả của nó cho thấy rõ sự khác biệt. Trung bình mỗi tình nguyện viên làm bài kiểm tra trên máy tính và đọc văn bản tiêu thụ nhiều hơn những người ngồi không 253 calorie (29,4%) và 203 calorie.
Những mẫu máu được lấy từ tình nguyện viên trước, trong và sau thử nghiệm cho thấy lượng đường glucose trong quá trình làm việc trí óc dao động nhiều hơn so với khi nghỉ ngơi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cơ thể phản ứng với những thay đổi đó bằng cách đòi hỏi thêm thức ăn để phục hồi lượng glucose đã mất. Là nhiên liệu cho hoạt động của não, glucose được cơ thể chuyển đổi từ các carbohydrate và tới não nhờ các mạch máu. Não không thể tự sản xuất glucose nên cần được cung cấp liên tục. Tế bào não cần năng lượng gấp đôi các loại tế bào khác trong cơ thể.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng, động vật trở nên thông minh hơn và sống lâu hơn khi chúng tiêu thụ ít calorie hơn. Phần lớn giới khoa học cho rằng kết quả này có thể áp dụng với con người.
Và tất nhiên, bạn càng ăn nhiều thì lượng mỡ trong cơ thể bạn càng tăng.
"Việc tiêu thụ quá nhiều calorie trong quá trình lao động trí óc, kết hợp với tình trạng ít hoạt động do ngồi suốt ngày có thể là một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh béo phì ngày càng trở nên phổ biến tại các nước công nghiệp phát triển. Đây là một nhân tố không thể bỏ qua trong bối cảnh số lượng người làm việc trí óc đang tăng lên", nhóm nghiên cứu kết luận.