Không chỉ Mặt trăng tỏa ánh sáng bạc xuống Trái đất mà Trái đất cũng có lúc chiếu sáng ngược lại vệ tinh của mình, tạo nên một “bóng trăng ma” hiếm gặp đúng ngày Hạ chí 21-6
Theo Live Science, Mặt trăng đang vào giai đoạn lưỡi liềm mỏng nhưng trong ngày 21-6, người quan sát từ Trái đất sẽ có dịp thưởng thức một "bóng trăng ma" rất tròn nhờ hiện tượng gọi là "ánh sáng Da Vinci".
"Ánh sáng Da Vinci" còn được gọi là "ánh sáng Trái đất", chỉ có thể được nhìn thấy khi trăng lưỡi liềm treo ở phía gần đường chân trời trong vòng vài ngày đầu tiên của quỹ đạo quanh Trái đất. Vào mùa hè, trăng thường treo thấp vào đầu buổi tối, tạo thêm cơ hội cho hiện tượng huyền ảo trở lại.
Mặt trăng trong "ánh sáng Da Vinci".
Theo đó, trăng lưỡi liềm sẽ tạm thời thay hình đổi dạng thành trăng tròn, nhưng ngoài dải lưỡi liềm sáng rõ thì phần còn lại của hình tròn sẽ sáng một cách mờ ảo, ma quái.
"Ánh sáng Da Vinci" được nhà bác học người Ý Leonardo Da Vinci mô tả từ thế kỷ XV. Ông cho rằng ánh sáng Mặt Trời bị các đại dương của Trái đất hắt sáng tinh tế vào đúng Mặt trăng trong một số ngày nhất định, tạo nên trăng tròn "ảo".
Đến thời hiện đại, NASA "chuẩn hóa" phát hiện của Da Vinci khi tìm ra nguyên nhân chính của hiện tượng này là mây và băng biển chứ không phải bề mặt đại dương.
Trong văn hóa dân gian, "ánh sáng Da Vinci" còn được gọi là "ánh sáng màu tro" hoặc "trăng già trong vòng tay trăng non".
Đêm Hạ chí 21-6 còn thêm phần kỳ thú bởi hiện tượng 2 hành tinh sáng nhất bầu trời thẳng hàng với "bóng trăng ma" nói trên, là sao Hỏa và sao Kim.
Sao Kim tỏa ánh sáng màu trắng hơi ngả vàng nhẹ, trong khi sao Hỏa mang màu đỏ đặc trưng. Tuy vậy, sao Hỏa hiện tại khá xa Trái đất nên có thể hơi khó thấy.
Theo Time and Date, thời điểm quan sát tốt nhất hiện tượng trenlà vào đầu buổi tối Hạ chí 21-6. Bạn cũng có thể quan sát vào buổi tối hôm sau 22-6.