Do ảnh hưởng của bão, kết hợp với triều cường, đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 9 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 30km.
Trong đó có hơn 10km qua địa bàn các các xã Hải Dương (Hương Trà), Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Hiền (Phú Lộc) bị sạt lở nặng, uy hiếp tài sản và tính mạng của hàng trăm hộ dân.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hùng cho biết, muốn khắc phục tình trạng sạt lở này chỉ có thể bằng cách xây dựng các đoạn kè chắn sóng biển, tuy nhiên kinh phí đầu tư rất lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các địa phương. Trước mắt, Thừa Thiên-Huế tìm cách hỗ trợ các địa phương trong vùng thực hiện phương án di dời tái định cư là phương án khả thi nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Bờ biển Thừa Thiên Huế đang ngày càng bị biển "ăn" dần.
Tại huyện Hương Trà, tỉnh vừa có quyết định đầu tư 9,2 triệu đồng xây dựng khu tái định cư rộng 2ha với đầy đủ các công trình điện, nước, đường giao thông để bố trí cho 70 hộ dân thuộc xóm Cồn Đầu và xóm Ghềnh, xã Hải Dương đến định cư. Tuy nhiên, phải sau năm 2015, khu tái định cư xây dựng xong mới bố trí được dân đến ở.
Trong khi đó, riêng khu vực xóm Cồn Đầu, của xã Hải Dương, trong cơn bão số 8 vừa qua bị xâm thực với chiều dài khoảng 160m, sâu vào bờ từ 5-7m. Tại đây, biển ăn sâu vào đất liền có đoạn chỉ còn hơn 10m, nhiều khu vực nhà dân bị biển ăn vào sát vách, tạo nên hố sâu hết sức nguy hiểm.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế xuất hỗ trợ vật tư như bao cát, rọ thép, vải bạt để giúp dân phòng chống sạt lở; kịp thời khắc phục những điểm đang bị biển xâm thực lấn sâu vào bờ. Chính quyền và các đoàn thể xã Hải Dương phối hợp với đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An có lúc huy động hơn 200 người để chống sạt lở khẩn cấp.
Không chỉ gặp khó khăn vì thiếu kinh phí mà ngay một số địa phương trong vùng bị sạt lở như xã Phú Thuận (thị trấn Thuận An) không còn quỹ đất để bố trí tái định cư di dân vùng bị sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Chường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận cho biết như vậy và nêu kiến nghị, đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện và tỉnh bố trí thêm quỹ đất cho xã để thực hiện tái định cư.
Tại địa phương, có thể phải lấy quỹ đất từ những diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, nhưng việc chuyển đổi đất này qua tái định cư có kinh phí rất lớn, mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh và huyện nhằm sớm có đất để xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân trong mùa mưa bão.