Hơn 50 % các loài cá mập biển có nguy cơ tuyệt chủng

  •  
  • 3.756

Nghiên cứu đầu tiên xác định nguy cơ toàn cầu của 21 loài cá mập và cá đuối biển cho thấy tình trạng trầm trọng của việc đánh bắt cá quá mức đồng thời đưa ra những bước quan trọng mà chính phủ nên thực hiện để bảo vệ chúng. Phát hiện cùng với đề xuất được công bố trên số mới nhất tờ Aquatic Conservation: Marine and Freshwater Ecosystems.

Nghiên cứu quốc tế do IUCN Nhóm chuyên gia về cá mập (SSG) thực hiện với đội ngũ bao gồm 15 nhà khoa học thuộc 13 học viện nghiên cứu khác nhau trên toàn thế giới, cùng với sự góp mặt của các thành viên SSG khác.

Các chuyên gia nhận định rằng 16 trong số 21 loài cá mập và cá đuối biển bị đánh bắt ngoài khơi đang gia tăng nguy cơ tuyệt chủng trước tiên là do việc đánh bắt nhằm lấy thịt và vây có giá trị cao cũng như việc gián tiếp nhập vào từ các ngư trường khác. Trong hầu hết các trường hợp, việc đánh bắt này không được kiểm soát và không thể xác minh. Nhu cầu món “súp vây cá mập” tăng cao, do tốc độ phát triển nhanh của kinh tế châu Á, dẫn đến tình trạng cá mập bị bắt chỉ nhằm lấy vây bỏ xác xảy ra thường xuyên. Xác cá mập và cá đuối bị bỏ đi thậm chí còn không được ghi chép lại.

Cá mập và cá đuối rất dễ bị lâm vào tình trạng nguy hiểm nếu lạm dụng đánh bắt do chúng cần nhiều năm để trưởng thành, thêm nữa chúng đẻ ít con.

Tác giả chính của bài báo Nicholas Dulvy thuộc Trung tâm môi trường, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản - Phòng thí nghiệm Lowestoft (Vương quốc Anh) cho biết: “Quản lý các ngư trường cùng các viên chức địa phương, quốc gia và quốc tế có cơ hội và nghĩa vụ phải ngăn chặn cũng như đẩy lùi tốc độ mất mát đa dạng sinh học đồng thời bảo đảm khai thác hợp lý cá mập và cá đuối.”

Dulvy, hiện đang làm việc tại đại học Simon Fraser (Vancouver) cho biết thêm: Tốc độ mất mát của nền sinh thái hiện tại gấp khoảng 10 đến 100 lần tốc độ tuyệt chủng trong lịch sử. Việc con người sử dụng tài nguyên biển ngày càng nhiều rất có thể sẽ khiến sự sinh tồn của nhiều loài động vật biển, đặc biệt là cá mập, bị đe dọa. Điều này không phải là bất khả kháng. Với sự hỗ trợ đầy đủ từ công chúng cùng quyết tâm của chính quyền, chúng ta có thể thay đổi mọi việc.” 

Sonkia Fordham, đồng tác giả của bài báo, đại diện của IUCN Nhóm chuyên gia về cá mập kiêm Giám đốc chính sách - Liên minh cá mập, cho biết: “Quan điểm truyền thống cho rằng cá mập và cá đuối là những sinh vật mạnh mẽ, hung dữ thường dẫn tới quan niệm sai lệch rằng chúng ít bị ảnh hưởng khi bị đánh bắt. Bất chấp những bằng chứng về sự suy giảm và gia tăng nguy cơ tuyệt chủng, không hề tồn tại giới hạn quốc tế nào đối với cá mập biển. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng phải hành động khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu nếu muốn ngăn chặn tình trạng này”. 

Nhóm đã đề nghị với chính phủ các nước như sau:

- Thành lập và thi hành giới hạn đánh bắt một cách khoa học đối với cá mập và cá đuối
- Bảo đảm ngăn chặn hành động khai thác vây cá (chỉ lấy vây, bỏ xác trên biển)
- Cải thiện giám sát các ngư trường nhập cá mập và cá đuối
- Đầu tư nghiên cứu cá mập và cá đuối cũng như xác định số lượng cụ thể
- Giảm thiểu tình trạng “đánh bắt tình cờ” cá mập và cá đuối
- Hợp tác với các quốc gia khác nhằm bảo tồn cộng đồng sinh vật chung.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 3.756