Hòn đảo chết chóc nghi là nơi thử vũ khí sinh học của Liên Xô

  •   52
  • 1.648

Đảo Vozrozhdeniya trở nên hoang phế sau khi xuất hiện những mầm bệnh chết chóc vào thập niên 1970.

Ở vùng biển nằm giữa Uzbekistan và Kazakhstan có một hòn đảo mang tên Vozrozhdeniya, nghĩa là "tái sinh" trong tiếng Nga, nhưng lại là vùng đất hoang vu chết chóc, theo BBC.


Cảnh tượng chết chóc trên đảo Vozrozhdeniya. (Video: YouTube).

Hòn đảo ngày nay ngập tràn cát và các loại hóa chất cực độc. Dự án nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí sinh học thời Liên Xô được cho là thủ phạm biến hòn đảo từng là làng chài nhộn nhịp này trở thành một trong những vùng đất chết chóc nhất thế giới.

Vozrozhdeniya liên quan đến hàng loạt tai họa từ những năm 1970. Năm 1971, một nhà khoa học trẻ ốm nặng khi trở về sau chuyến nghiên cứu trên tàu thám hiểm Lev Berg. Kỳ lạ là cô bị chẩn đoán nhiễm đậu mùa dù trước đó đã dùng vắc-xin phòng bệnh. Cuối cùng cô cũng hồi phục, nhưng 9 người khác bị lây bệnh và ba trong số đó không thể qua khỏi.

Năm 1972, thi thể hai ngư dân mất tích được phát hiện trên con thuyền trôi dạt gần đảo. Người ta cho rằng họ bị nhiễm dịch hạch. Không lâu sau, người dân địa phương bắt đầu kéo lên hàng loạt mẻ lưới toàn cá chết. Tháng 5/1988, 50.000 linh dương Saiga ăn cỏ trên vùng thảo nguyên gần đó đồng loạt chết không rõ nguyên nhân.

Những bức ảnh do CIA chụp trên không năm 1962 cho thấy hòn đảo có các doanh trại, trường bắn, thậm chí cả những khu nghiên cứu, trại động vật và khu thí nghiệm ngoài trời, dấu hiệu của một cơ sở thí nghiệm vũ khí sinh học nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Xe tăng và nhiều thiết bị quân sự bị bỏ lại trên hòn đảo.
Xe tăng và nhiều thiết bị quân sự bị bỏ lại trên hòn đảo. (Ảnh: Ninurta).

Dự án vũ khí sinh học diễn ra hoàn toàn bí mật, căn cứ quân sự trên đảo không hề được đánh dấu trên bản đồ Liên Xô. Những người biết về dự án gọi đó là Aralsk-7.

Aralsk-7 là một phần trong chương trình vũ khí sinh học quy mô lớn với hơn 50.000 người tham gia và ít nhất 52 cơ sở sản xuất trên khắp Liên Xô. Mầm bệnh than ban đầu được sản xuất trong những bể lên men lớn giống như đang ủ bia tại Compound 19, cơ sở thí nghiệm gần nằm gần Yekatarinburg.

Liên Xô phát triển dự án Aralsk-7 trong cuộc chạy đua vũ khí sinh học với Anh và Mỹ nhằm biến những mầm bệnh vốn nguy hiểm chết người trở nên dễ lây nhiễm hơn, khủng khiếp và chết chóc hơn. Các nhà khoa học phải đảm bảo vi khuẩn có thể chống lại thuốc kháng sinh và vẫn có khả năng truyền bệnh cho cả những người đã tiêm phòng vắc-xin.

Năm 1972, Liên Xô bắt đầu phát triển một loại bệnh than khủng khiếp gọi là STI nhờ áp dụng di truyền học phân tử. Các nhà khoa học lấy gene từ vi khuẩn Bacillus cereus và thêm vào mầm bệnh than bằng những kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất.

Ngoài khả năng chống lại rất nhiều loại thuốc kháng sinh, mầm bệnh còn được các nhà khoa học quyết định bổ sung độc tố có thể phá vỡ tế bào hồng cầu và phân hủy mô người.

Bào tử bệnh than thông thường có thể bị mắc lại trong mũi và không phải lúc nào cũng gây bệnh. Liên Xô muốn nghiền nhỏ chúng bằng thiết bị công nghiệp. Kết quả là chúng chỉ còn dài 5 micromét, nhỏ hơn 30 lần chiều rộng tóc người, kích thước hoàn hảo để con người hít phải.

Năm 1988, sau một vụ rò rỉ ở Compound 19 khiến ít nhất 105 người chết, Liên Xô quyết định tiêu hủy bể chứa vi khuẩn bệnh than này. Những chiếc thùng chứa bào tử bệnh than được trộn với chất tẩy uế và chuyển đến Vozrozhdeniya. Hỗn hợp sinh học nặng 100–200 tấn này bị chôn vội dưới hố và đi vào quên lãng.

Tuy nhiên, vi khuẩn bệnh than tồn tại trong tự nhiên dưới dạng bào tử và có sức sống mãnh liệt, dù tiếp xúc với các chất tẩy độc hại hay bị nung nóng đến 180 độ C trong hai phút thì chúng vẫn không hề hấn gì. Khi được chôn dưới lòng đất, chúng có thể tồn tại hàng trăm năm. Điều đó biến Vozrozhdeniya thành hòn đảo bệnh than, gieo ác mộng kinh hoàng cho mọi sinh vật.

Hòn đảo bị bỏ hoang từ những năm 1990. Khoảng một thập kỷ sau, Mỹ gửi các nhóm chuyên gia đến kiểm tra hòn đảo. Địa điểm chính xác của những thùng chứa mầm bệnh không được tiết lộ, nhưng hố chôn lớn đến mức có thể nhìn thấy qua ảnh chụp từ ngoài không gian.

Những tòa nhà bỏ hoang khiến hòn đảo mang không khí u ám.
Những tòa nhà bỏ hoang khiến hòn đảo mang không khí u ám. (Ảnh: Ninurta).

Bào tử bệnh than sống được tìm thấy trong một số mẫu đất. Khi đó, Mỹ bỏ ra tới 6 triệu USD cho dự án dọn sạch nơi này. Các chuyên gia đào một hào sâu gần hố chôn cũ, dùng thêm lớp lót nilon và hàng nghìn kg chất tẩy dạng bột loại mạnh. Họ chuyển vài tấn đất nhiễm khuẩn xuống hố và tiêu diệt được bào tử bệnh than sau khi ủ chúng cùng chất tẩy trong 6 ngày với nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, nửa thế kỷ tiến hành thí nghiệm ngoài trời đã khiến toàn bộ hòn đảo nhiễm bệnh chứ không chỉ riêng khu vực thí nghiệm. "Ở đó sẽ vẫn còn mầm bệnh than thôi", Les Baillie, chuyên gia quốc tế về bệnh than tại Đại học Cardiff, cho biết.

Nick Middleton, nhà báo, nhà địa lý tại Đại học Oxford cùng Dave Butler, chuyên gia từng làm việc trong quân đội Anh dẫn theo nhóm nghiên cứu tới đảo Vozrozhdeniya. Để đề phòng, Butler cho cả đoàn dùng thuốc kháng sinh một tuần trước chuyến đi. Họ cũng đeo mặt nạ phòng độc, đi ủng cao su dày và mặc đồ bảo hộ ngay khi đặt chân lên đảo.

Căn cứ trên Vozrozhdeniya được chia thành hai phần: thị trấn Kantubek nơi các nhà khoa học cùng gia đình sinh sống và khu liên hợp thí nghiệm. Kantubek ngày nay trở thành một "thị trấn ma" hoang tàn đổ nát. "Không có lấy một con chim hay côn trùng nào cả. Mọi thứ hoàn toàn yên tĩnh", Middleton miêu tả.

Cảnh tượng nhóm nghiên cứu nhìn thấy tại khu liên hợp mang tên PNIL rất khủng khiếp. Những bể kính lớn chứa chất độc hại xếp nối nhau. Sàn nhà phủ đầy mảnh vỡ của hàng trăm nghìn lọ thủy tinh, ống nghiệm và đĩa. Những bộ đồ bảo hộ, mặt nạ phòng độc, ống dẫn khí la liệt khắp nơi.

Ngay khi trở về, nhóm nghiên cứu phải kiểm tra cơ thể kỹ lưỡng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Họ cẩn thận như vậy vì bệnh than có thể lây qua nhiều đường và khiến người bệnh tử vong theo nhiều cách khác nhau.

Bệnh than có thể lây nhiễm qua ruột, phổ biến ở những loài ăn cỏ như trâu bò, ngựa, dê. Phương thức này ngày nay vẫn khiến nhiều người thiệt mạng ở những nước đang phát triển. Triệu chứng rất đa dạng, thường gồm nôn, tiêu chảy, tổn thương từ miệng đến ruột. Ngoài ra, bệnh than cũng có thể lây khi tiếp xúc qua da.

Cách nhiễm bệnh khó chịu nhất là hít phải bào tử gây bệnh. Khi đi vào cơ thể, đầu tiên nó sẽ đến hạch bạch huyết, sau đó nảy mầm và nhân lên, tràn vào mạch máu, dẫn đến tổn thương mô diện rộng và xuất huyết trong.

"Đó sẽ là một vũ khí sinh học lý tưởng. Họ có thể lấy các bào tử ngoài tự nhiên", Talima Pearson, nhà sinh vật học tại Đại học Bắc Arizona, cho biết.

Bên trong một khu thí nghiệm cũ nát trên đảo Vozrozhdeniya.
Bên trong một khu thí nghiệm cũ nát trên đảo Vozrozhdeniya. (Ảnh: Ninurta).

Nhóm nghiên cứu cũng giải thích nguyên nhân dẫn đến những tai họa xung quanh hòn đảo những năm 1970 và 1980. Tàu thám hiểm Lev Berg khi đó đã lạc đến vùng chứa mầm bệnh đậu mùa được biến đổi thành vũ khí sinh học. Mầm bệnh này có thể là loại Ấn Độ 1967, theo David Evans, chuyên gia virus tại Đại học Alberta.

Đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, mẫu bệnh lần đầu được lấy từ một người đàn ông Ấn Độ đến Moscow năm 1967. Có khả năng nhà khoa học trẻ trên tàu Lev Berg vẫn nhiễm bệnh dù đã tiêm vắc xin là do vắc xin không hiệu quả hoặc do tiếp xúc với lượng vi khuẩn quá cao.

Hòn đảo hiện nay không còn khả năng gây nhiễm đậu mùa nữa, theo Evans, người nghiên cứu vắc xin của một loại virus tương tự. "Ở phòng thí nghiệm, chúng tôi bảo quản virus ở mức - 80 độ C trong các điều kiện lý tưởng, nhưng chúng vẫn mất dần khả năng lây nhiễm", ông cho biết.

Liên Xô cũng từng nghiên cứu biến dịch hạch thành vũ khí sinh học, và vi khuẩn bệnh ngày nay vẫn phổ biến ở Trung Á, thậm chí số ca nhiễm bệnh còn tăng mạnh sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tuy nhiên, trường hợp cá và linh dương Saiga chết hàng loạt trên đảo vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng.

Cập nhật: 06/10/2017 Theo VnExpress
  • 52
  • 1.648