Hàng triệu bệnh nhân mắc hội chứng liệt rung (Parkinson) có hy vọng cải thiện cuộc sống, thậm chí chữa khỏi căn bệnh sau khi các nhà khoa học ghi nhận những kết quả khả quan trong hàng loạt nghiên cứu mới đây.
Nghiên cứu chung của các nhà khoa học Anh và Hà Lan cho biết một kỹ thuật mới vừa được phát triển có thể cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson đến hơn 30%. Trong nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Khoa học thần kinh (Mỹ), 10 bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn đầu tham gia khóa huấn luyện kiểm soát vùng não điều khiển cử động bằng cách sử dụng năng lực của ý nghĩ và được quan sát thông qua máy chụp cộng hưởng từ (MRI).
Trước tiên, các bệnh nhân được yêu cầu siết chặt tay trong khi nhóm nghiên cứu vẽ bản đồ các vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát cử động. Người bệnh được chỉ cho thấy mức độ hoạt động tại các vùng não này hiển thị trên máy đo phía trước. Sau đó, các chuyên gia yêu cầu họ tưởng tượng đến việc thực hiện những cử động phức tạp để kích hoạt trung tâm não và chứng kiến sự gia tăng hoạt động tương ứng trên máy đo. Bằng phương pháp tập luyện này, họ có thể tăng hoặc giảm mức độ hoạt động tùy ý chỉ bằng suy nghĩ. Giáo sư David Linden, trưởng nhóm nghiên cứu, mô tả quá trình này là “sự phản hồi thần kinh theo thời gian thực”.
Mặc dù phương pháp rèn luyện trí óc này không giúp điều trị triệt để bệnh Parkinson nhưng nó có thể cải thiện chức năng vận động của người bệnh, giúp họ có cuộc sống tốt hơn. “Chúng tôi nhận thấy 5 bệnh nhân nhận được phản hồi thần kinh có thể gia tăng hoạt động trong hệ thống não bộ, điều này rất quan trọng đối với chức năng cử động và phương pháp can thiệp này cũng giúp cải thiện tốc độ vận động”, giáo sư Linden cho biết.
Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Sloan-Kettering ở New York (Mỹ) mở ra hy vọng chữa trị dứt điểm bệnh Parkinson sau khi các cuộc thử nghiệm cho thấy tế bào gốc của người có thể đẩy lùi các tác động của căn bệnh.
Các nhà khoa học đã chuyển đổi tế bào gốc phôi thai thành tế bào thần kinh để tạo ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine, vốn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh Parkinson. Khi các tế bào thần kinh này được cấy vào não chuột, chúng tiết ra dopamine giúp loại bỏ dần các triệu chứng của hội chứng liệt rung trong thời gian từ 3 - 5 tháng. Loại tế bào này cũng được cấy ghép thành công ở khỉ nâu, loài có đặc điểm sinh học gần hơn với con người và các chuyên gia đang chờ đợi kết quả.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng một giải pháp tương tự có thể được phát triển để sử dụng cho người và họ đang có kế hoạch tiến hành thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu cũng dự tính tạo ra các tế bào mới ở quy mô thử nghiệm lớn hơn trong 12 tháng, đủ để cấy ghép cho 100 bệnh nhân sau khi kiểm tra kỹ về mức độ an toàn. Tilo Kunath, một chuyên gia về tế bào gốc ở Đại học Edinburgh (Anh), nhận định đây là một bước đột phá lớn hướng tới điều trị căn bệnh Parkinson.