ILO cảnh báo "đại dịch nhiệt độ cực đoan" tới nhân loại

  •  
  • 69

Dữ liệu từ ILO cũng chỉ ra rằng hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải tiếp xúc với nhiệt độ quá cao trong năm 2020, tăng gần 9% so với năm 2000.

Theo phóng viên tại Geneva, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 25/7 (giờ địa phương) công bố báo cáo cho thấy ngày càng nhiều công nhân phải đối mặt với tình trạng căng thẳng do nhiệt độ, ngay cả ở những khu vực có khí hậu ôn hòa, đồng thời cảnh báo rằng nhân loại đang phải hứng chịu một “đại dịch nhiệt độ cực đoan”.

Người dân tắm biển tránh nắng nóng tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/7.
Người dân tắm biển tránh nắng nóng tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/7. (Ảnh: THX).

Dữ liệu từ ILO cũng chỉ ra rằng hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải tiếp xúc với nhiệt độ quá cao trong năm 2020, tăng gần 9% so với năm 2000. Trong báo cáo phân tích về nhiệt độ theo khu vực, ILO nhận thấy châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 93% người lao động phải chịu nhiệt độ quá cao trong công việc, tiếp theo là các quốc gia Arab với 83,6% và khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức 74,7%.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà biến đổi khí hậu được cho là khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn bao giờ hết, với việc năm ngoái là năm nóng nhất từng được ghi nhận, ILO cho biết điều kiện làm việc thay đổi nhanh nhất được ghi nhận ở những khu vực thường không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao.

Báo cáo cho thấy mức độ tiếp xúc với nhiệt độ quá cao tại nơi làm việc tăng mạnh nhất ở châu Âu và Trung Á, tăng 17,3 điểm % trong thời gian 20 năm lên mức 29%. Đồng thời, châu Mỹ, cùng với châu Âu và Trung Á, được phát hiện là có tỷ lệ thương tích nghề nghiệp liên quan đến nhiệt tăng nhanh nhất, tăng lần lượt 33,3 điểm và 16,4 điểm % trong hai thập kỷ.

Những phát hiện trên được công bố sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra cảnh báo rằng: hàng tỷ người đang phải đối mặt với một đợt nắng nóng cực độ, đối diện các nguy cơ khi nhiệt độ lên tới 50 độ C trên nhiều nơi ở thế giới”.

Bên cạnh đó, báo cáo của ILO cảnh báo rằng: “các quốc gia trước đây không quen với nắng nóng cực độ sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa mới mà họ có thể không được trang bị đầy đủ để đối phó, trong khi điều kiện ở những khu vực vốn đã phải đối mặt với nhiệt độ cao kéo dài sẽ chỉ làm tình hình xấu đi”.

Ở cấp độ toàn cầu, gần 23 triệu thương tích nghề nghiệp do nhiệt độ quá cao được báo cáo mỗi năm. Báo cáo nhấn mạnh:Sức nóng là một thế lực vô hình - sát thủ thầm lặng. Các mối nguy hiểm về nhiệt đối với cả công việc trong nhà và ngoài trời đều làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như kiệt sức vì nóng, say nắng, các bệnh về tim mạch, hô hấp...”.

Báo cáo nhấn mạnh tác động của các đợt nắng nóng, chiếm khoảng 10% tổng lượng phơi nhiễm nhiệt quá mức trên toàn cầu vào năm 2020. Theo báo cáo của ILO, tổng cộng có 231 triệu công nhân phải hứng chịu nắng nóng trong năm 2020, tăng 66% kể từ năm 2000.

Cập nhật: 30/07/2024 TTXVN/Znews
  • 69